Nhiều người trẻ chịu áp lực chi phí sinh hoạt, nhà cửa tăng cao, bạn bè cùng lứa kiếm được nhiều tiền hơn, dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, phát bệnh tâm thần.
Hùng, 25 tuổi, ở Long An, là nhân viên kỹ thuật phần mềm tại TP HCM, bắt đầu ngày làm việc lúc 8h sáng và rời khỏi công ty lúc 7h tối. Sau bữa tối, anh lại ôm máy tính làm thêm đến gần 3h sáng hôm sau. Mỗi sáng, Hùng chỉ có thể ra khỏi giường sau 5 lượt chuông báo thức. Cuộc sống bận rộn khiến anh thường xuyên mệt mỏi, thiếu ngủ.
Hùng và bạn gái có kế hoạch về chung nhà vào năm sau. Anh đặt mục tiêu phải có nhà, xe và chu cấp cho vợ con một cuộc sống đủ đầy mới tiến đến hôn nhân. Do đó, Hùng luôn trong tâm thế "chạy nước rút". Ngoài công việc ở công ty, Hùng tận dụng mọi thời gian để làm thêm nên thu nhập có thời điểm lên 40-50 triệu đồng/tháng, dù lương ở công ty chỉ 12 triệu đồng.
"Nếu trong tháng không có 3-4 dự án để tăng thu nhập, tôi bồn chồn không yên. Có dự án, thì tôi lại mất ngủ triền miên, ôm máy tính đến 18-20 giờ một ngày", anh nói. Hùng thừa nhận mình bị cuốn vào vòng xoáy không thể thoát ra, thu nhập nhiều hay ít đều luôn bất an, lo sợ không đủ chi tiêu cho tương lai.
Gần đây, chi phí sinh hoạt, nhà ở ngày càng tăng, buộc Hùng phải "cày cuốc" thật nhiều để tiến gần hơn mục tiêu. Kế hoạch mua sính lễ cho đám cưới cũng phải hoãn lại vì giá vàng đột ngột lập đỉnh liên tiếp. Áp lực công việc, nỗi lo lắng tài chính, khiến Hùng mất ngủ kéo dài, tìm đến rượu bia, dần sống thu mình, ít giao tiếp, luôn bất an, thi thoảng nói nhảm. Tại Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, chàng trai được chẩn đoán bị rối loạn lo âu do áp lực tài chính, phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc, kết hợp sinh hoạt lành mạnh.
Tương tự, Nga, 35 tuổi, phải nhập Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, do bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm nhẹ, sau thời gian dài sống trong cảnh căng thẳng tài chính. 5 năm gần đây, kinh tế khủng hoảng, công việc kinh doanh online gặp khó khăn, trong khi Nga phải chịu áp lực trả nợ và nuôi bố mẹ già ở quê. Chồng đột ngột mất việc, một mình cô phải gánh tất cả chi tiêu gia đình, trong đó có cả khoản trả góp mua xe, nhà lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhiều lúc bế tắc, không thể vay tiền bạn bè, Nga đánh liều rút cả tiền từ các thẻ ghi nợ ra tiêu, chịu lãi suất cao.
Thường xuyên làm việc khuya, ngủ không đủ giấc, cộng thêm lo lắng chi tiêu khiến Nga sinh chán ăn, mệt mỏi, tâm tính thất thường, lúc nào cũng bồn chồn, khó chịu. Nhiều lúc, cô nghĩ đến việc tự sát, phải nhập viện điều trị cho đợt bệnh tâm thần cấp.
Nhiều người trẻ lo lắng về tài chính, chịu áp lực tiền bạc giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Ảnh minh họa: Health Affairs
Thực tế, có nhiều lý do khiến người trẻ bị rối loạn tâm thần, từ các yếu tố sinh học như di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương đến áp lực công việc, môi trường sống. Theo thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, nhiều người trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang phải đối mặt với nỗi lo về tài chính do chi phí sinh hoạt như giá phòng trọ, mua nhà và thực phẩm tăng. Sự bất ổn trong thị trường việc làm, đặc biệt là bối cảnh kinh tế hiện nay khiến người trẻ không chắc chắn về tương lai nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, người trẻ có thể gặp áp lực cùng trang lứa, phát sinh những cảm xúc mạnh mẽ khi thấy bạn bè đạt được các cột mốc tài chính. Những cảm giác buồn bã, lo lắng, căng thẳng, thất vọng, không xứng đáng hoặc quá tự tin có thể dẫn đến những hành vi gây tổn hại đến sức khỏe tài chính, chẳng hạn chi tiêu quá mức cho việc mua sắm, đi nghỉ...
Đặc biệt, người trẻ có xu hướng gắn cảm xúc về tình hình tài chính với những gì họ thấy và thể hiện trên mạng xã hội, ngay cả khi điều đó không thực tế. Nhiều người tránh giải quyết hoặc tìm sự trợ giúp cho khoản nợ, làm thúc đẩy vòng bất ổn tài chính. Hơn nữa, một số thiếu kiến thức về quản lý tài chính, điều này có thể dẫn đến những quyết định tài chính kém hiệu quả.
Hiện chưa có nghiên cứu chính thức về tình trạng mắc các chứng tâm thần do lo âu tài chính ở người trẻ. Tuy nhiên, một số công trình trước đó, như nghiên cứu Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa của ISDS năm 2020 cho thấy, khi bị những thứ như áp lực tài chính, sự nghiệp đè nặng, gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử. Tỷ lệ này là 5,4% (cao nhất) trong nhóm 18-29 tuổi.
Từ sau đại dịch Covid-19, số người mắc các rối loạn tâm thần ở Việt Nam gia tăng, với khoảng 14% dân số bị các bệnh lo âu, trầm cảm,... Các bác sĩ tại một số bệnh viện tâm thần lớn trong cả nước cho hay áp lực kinh tế, tiền bạc là một trong nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng trên.
Người bị lo âu tài chính thường cảm thấy lo lắng thường trực, bồn chồn và suy nghĩ tiêu cực về tình hình tài chính, thậm chí tương lai. Họ có thể gặp rối loạn giấc ngủ, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, khó vào giấc, thức dậy lúc nửa đêm. Bên cạnh đó, sự tập trung cho các hoạt động chuyên môn như học tập hay công việc cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, họ có thể thay đổi khẩu vị ăn uống, dẫn đến việc ăn nhiều hơn hoặc mất hứng thú với thức ăn. Các triệu chứng thể chất như đau đầu, đau lưng, hoặc các vấn đề tiêu hóa cũng thường xuất hiện, cùng với việc bệnh nhân trở nên ít giao lưu với bạn bè và gia đình vì cảm giác xấu hổ, tài chính thiếu thốn.
"Có thể hiểu, những thay đổi khác thường về cảm xúc, khí sắc hay cảm giác cơ thể là tín hiệu của những nỗi lo đang lớn dần trong tâm trí người trẻ có khó khăn tài chính", thạc sĩ Thiện nói.
Hậu quả của tình trạng lo lắng này có thể rất nghiêm trọng nếu không có sự điều chỉnh, can thiệp hay được hỗ trợ kịp thời. Nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Để giải quyết, ông Thiện khuyến cáo mọi người, đặc biệt người trẻ nên tăng cường kiến thức tài chính qua sách vở và khóa học nhằm tự tin hơn trong quản lý tiền bạc. Lập kế hoạch cụ thể với mục tiêu rõ ràng sẽ tạo cảm giác kiểm soát, được làm chủ tình hình và từ đó giảm lo âu.
Có thể thực hiện những thay đổi nhỏ trong thói quen tài chính, như tiết kiệm một khoản nhỏ hàng tháng, mang lại cảm giác tiến bộ và tự tin trong việc quản lý. Thiết lập quỹ khẩn cấp và hạn chế so sánh với người khác trên mạng xã hội sẽ giúp chuẩn bị trước với những khó khăn và giảm việc tự áp lực bản thân.
Chia sẻ lo lắng với gia đình hoặc chuyên gia tư vấn cũng rất quan trọng, vì điều này giúp giảm cảm giác cô đơn và có thể nhận được những nguồn lực hỗ trợ. Bên cạnh đó, các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga hay viết nhật ký được chứng minh là hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi
Đăng thảo luận