Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank.
Xin bà cho biết, thống kê ban đầu về khách hàng của Agribank bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra?
- Cơn bão số 3 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và khu vực Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ ban đầu của chúng tôi, đến nay có khoảng 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng.
Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thống kê và con số có thể tăng lên, vì còn rất nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc,…
Là ngân hàng chủ lực đầu tư nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh mưa bão thiên tai gây thiệt hại lớn, Agribank có những chính sách hỗ trợ khách hàng ra sao, thưa bà?
- Chúng tôi là những người làm việc trực tiếp với khách hàng nên thấu hiểu được những khó khăn của khách hàng trong lúc này. Trong mấy năm qua, khách hàng đã phải chịu những khó khăn do đại dịch Covid - 19, khủng hoảng kinh tế gây ra… đến nay, sau đợt bão, lũ này, khách hàng sẽ còn gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Ngay sau cơn bão số 3 giảm cấp độ, Ban lãnh đạo Agribank đã thành lập các đoàn công tác tới các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, để nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với khách hàng; Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh kịp thời triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng.
Các giải pháp Agribank triển khai để hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh như: Miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay mới,…
Đặc biệt, Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây cũng là lĩnh vực bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Do đó, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp nông thôn còn áp dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, để chúng tôi tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng.
Đoàn công tác thăm hỏi, động viên khách hàng Phạm Văn Nhiêu tại huyện Tiên Lãng - Hải Phòng, bị thiệt hại khoảng 200 tấn cá giống, cá thịt (gồm cá lăng, cá tầm và cá diêu hồng) và 3 khu lán trại, thiệt hại ước tính 13 tỷ đồng
Bà có thể nói rõ hơn về chính sách miễn giảm lãi suất của Agribank để hỗ trợ khách hàng?
- Hiện nay, khách hàng đang chịu những mức độ thiệt hại khác nhau, có những khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có những khách hàng bị thiệt hại một phần, có những khách hàng bị ảnh hưởng…
Agribank dự kiến ngay trong tuần này sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại.
Đối với việc cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ hay là giãn nợ cho khách hàng… ngân hàng thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng như Agribank đang áp dụng Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 06/2024/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 02 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng).
Tuy nhiên, trong thời gian tới với bối cảnh thiên tai bất thường như hiện nay, chắc chắn phải có chính sách phù hợp hơn.
Chẳng hạn, Thông tư 06/2024/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 02 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng) có hiệu lực đến ngày 31/12/2024 và áp dụng cho các khoản giải ngân trước ngày 24/4/2023. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải điều chỉnh quy định này cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh hiện nay, theo hướng những khoản giải ngân sau ngày 24/4/2023 bị ảnh hưởng cũng sẽ phải được xem xét áp dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Agribank dự kiến giảm 0,5%-2% lãi suất vay hiện hữu cho khách hàng bị thiệt hại do bão ngay trong tuần này.
Vậy, việc gia hạn nợ có ý nghĩa thế nào đối với khách hàng, thưa bà? Và nếu người dân muốn được vay thêm để sản xuất, kinh doanh (trong khi khoản vay cũ vẫn còn) thì Ngân hàng có đáp ứng?, đặc biệt là những khách hàng không có tài sản đảm bảo?
- Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, phù hợp với nguồn thu của khách hàng, để khách hàng có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ cho ngân hàng.
Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Song, mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định.
Sau mỗi sự cố thiên tai, môi trường hay dịch bệnh thường sẽ có rất nhiều tình huống/trường hợp đặc biệt xảy ra. Làm thế nào để có chính sách hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất, thưa bà?
Sau cơn bão số 3 vừa qua, có nhiều trường hợp/tình huống khác nhau xảy ra, ngoài nguồn lực từ các ngân hàng thì cũng cần các nguồn lực, sự đồng bộ chính sách của Nhà nước như khoanh nợ, giãn và giảm thuế, phí, và kể cả hỗ trợ phí bảo hiểm… để giúp bà con mau chóng hồi phục, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn bà!
Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tinh thần "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách", Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phát động toàn thể cán bộ, người lao động quyên góp ủng hộ 01 ngày lương để hỗ trợ các địa phương, người dân vượt qua khó khăn. Số tiền ủng hộ ước tính đạt trên 20 tỷ đồng.
Với sự quyên góp ủng hộ của cán bộ, người lao động trên toàn hệ thống, Agribank mong muốn tiếp thêm nguồn lực cùng hệ thống chính trị, các địa phương hỗ trợ đồng bào, người dân vùng bão, lũ nhanh chóng khắc phục thiệt hại.
Trước đó, tại Lễ phát động ủng hộ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Agribank ủng hộ 02 tỷ đồng, cùng ngành Ngân hàng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Đến ngày 12/9/2024, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả cơn bão.
Mặc dù hoạt động của nhiều Chi nhánh, Phòng giao dịch cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại cơ sở vật chất bởi bão và mưa, lũ nhưng phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, Agribank triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng hành cùng các địa phương và người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận