Bài "Học sinh dùng điện thoại ở trường học, lỗi ba mẹ hay lỗi ở nhà trường?" (Tuổi Trẻ Online ngày 10-9) thu hút nhiều bạn đọc phản hồi.
Học sinh sử dụng điện thoại ở TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Chia sẻ chính câu chuyện của mình, bạn đọc A2 viết: "Con mình học trung học cơ sở, trường cấm tiệt điện thoại, nên mình mua cho con đồng hồ thông minh chỉ cài đặt để nghe gọi với bố mẹ. Ba năm rồi, tôi thấy rất ổn.
Cháu thứ hai trường không cấm điện thoại, nhưng mình tự cấm, cũng mua đồng hồ cho con. Kể cả ở nhà hai cháu cũng không có điện thoại hay máy tính bảng cá nhân, học tiếng Anh qua máy tính để bàn. Ủng hộ cấm tuyệt đối".
Kết quả thăm dò bạn đọc Tuổi Trẻ Online đến chiều 10-9 - Đồ họa: Tấn Đạt
Bạn đọc Mỹ Toàn góp lời: "Thời gian ở trường là để học sinh tập trung học tập và giao tiếp xã hội. Cấm học sinh dùng điện thoại để các em "cai" điện thoại, vì ở nhà các em "ăn" điện thoại, "ngủ" điện thoại, thậm chí đi vệ sinh cũng mang theo điện thoại để dùng".
Cùng quan điểm, bạn đọc Luy Nhi cho biết: "Theo tôi, do sự chủ quan từ khi ở nhà. Cha mẹ không quản được việc các em khi sử dụng điện thoại rồi vô trường thành thói quen".
Theo bạn đọc Ngoc Bich: "Có những thầy cô dạy online, trao đổi với học sinh qua điện thoại nên buộc phải dùng điện thoại thông minh. Lại có lỗi do cha mẹ vì muốn con không thua thiệt bạn bè nên mua sắm những chiếc điện thoại trị giá hàng chục triệu đồng cho con dùng".
Bạn đọc Trà Hoa góp ý thêm: "Quan trọng là phải giáo dục được ý thức học sinh. Nếu biết cách sử dụng đúng thì điện thoại là công cụ. Nhưng nếu chỉ dùng để lướt mạng xã hội, nhắn tin trao đổi việc riêng thì chắc chắn ảnh hưởng xấu đến việc học".
"Không có thầy cô giáo nào vừa phải dạy học vừa phải quan sát học sinh có sử dụng điện thoại hay không. Bất kỳ vật gì cũng có mặt lợi ích, tích cực của nó với điều kiện người sử dụng phải khai thác đúng chỗ, đúng nơi, đúng thời điểm.
Ngược lại, cái hại không hề nhỏ chút nào. Không đợi đến quyết định của nhà trường cấm hay không cấm, phụ huynh không trang bị cho học sinh điện thoại thông minh hoặc không cho mang điện thoại thông minh vào trường học cũng là cách tốt giữ cho con sự tập trung học tập ở trường", bạn đọc 5 Mì Lát nêu ý kiến.
Khi nào con được dùng điện thoại?
Buổi họp phụ huynh đầu năm học, thầy hiệu trưởng thông tin với phụ huynh toàn trường về các quy định năm học mới, trong đó có việc học sinh không được mang điện thoại đến trường. Nếu có, nhà trường sẽ niêm phong giữ lại đến cuối năm sẽ giao trả cho phụ huynh.
Thầy dẫn ra thực tế nhiều nước trên thế giới đã quyết liệt cấm điện thoại trong trường học. Tại TP.HCM cũng có nhiều trường siết việc này từ nhiều năm qua. Điều này trước hết có lợi cho việc học của con. Để làm điều này, thầy cô sẽ hạn chế hết mức việc giảng bài, giao bài hay trao đổi với học sinh có cần đến điện thoại, máy tính riêng.
Phụ huynh có cháu ngoại học cùng lớp con tôi nói: "Cấm được vậy, tôi cảm ơn nhà trường chứ về nhà cháu tôi ôm điện thoại suốt ngày với lý do bạn nhắn học nhóm, cô nhắn giao bài... tôi quản không nổi!". Rồi cô kể chuyện đứa cháu gái chát chít và alô suốt ngày với bạn rồi hẹn nhau mua mỹ phẩm cùng loại, nói chung là rất mệt với các kiểu hẹn hò trao đổi qua điện thoại, về tới nhà cũng không rời cái alô.
Một phụ huynh khác cho biết con chị có điện thoại riêng từ năm lớp 4, nhưng mấy năm nay chị giữ nghiêm quy định "con không được mang điện thoại đi học". Nhưng cứ về nhà, con lao đến điện thoại ngay. Sợ bạn bè nhắn, bỏ lọt tin, bạn giận... có cả hẹn nhau chơi trò chơi điện tử. Thu giữ thì con hờn dỗi rằng mua làm chi mà không cho con dùng?!
Nếu phụ huynh tuyệt đối không cho con dùng điện thoại thì sao? Đây là điều tôi đang chọn, dù có thể tôi thuộc nhóm thiểu số phụ huynh có con học trung học. Con có thể hẹn bạn đi uống trà sữa, đi chơi thể thao, đi sinh nhật hoặc trao đổi việc học với thầy cô nhưng tất cả bằng số điện thoại và máy tính của mẹ.
Tôi biết con không vui, thậm chí con ngại bạn chê con "lạc hậu công nghệ" hoặc chê con... nghèo nên không có cái điện thoại. Khi con hỏi "khi nào con được dùng điện thoại?", tôi vẫn trả lời "điện thoại có lợi và có hại, khi nào con đủ lớn để biết dùng điện thoại có lợi nhiều hơn thì con sẽ được dùng".
Đăng thảo luận