Ngày nay, con đường dẫn vào khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) không chỉ đẹp bởi màu xanh của ruộng lúa mà còn được tô điểm bởi rặng duối già với cành lá đan xen.
Rặng duối với khoảng hơn 200 cây được trồng 2 bên đường, từ đầu thôn Bòng (xã Tân Trào) và kéo dài đến tận di tích Đình Hồng Thái (nơi Bác Hồ nghỉ chân khi về tới đất Tân Trào năm 1945).
Duối vốn là loại cây sống lâu năm và phát triển chậm, gỗ duối có màu vàng nhạt, vân gỗ đẹp và mùi thơm nhẹ. Vì thế gỗ duối thường được dùng để làm các đồ tâm linh như ban thờ, tràng hạt.
Theo cụ Viên Đức Minh (86 tuổi, người dân địa phương) cho biết, từ khi cụ sinh ra đã có rặng duối đầu làng. Đã bao lớp người sinh ra, lớn lên rồi nằm xuống trên mảnh đất này nhưng rặng duối vẫn xanh rì đứng đó.
“Không ai khẳng định chắc chắn rặng duối đã bao tuổi nhưng từ đời ông cha tôi cũng đã có. Mỗi cây cổ thụ như “nhân chứng sống”, chứng kiến những thăng trầm lịch sử của mảnh đất cách mạng”, cụ Minh cho hay.
Rạng duối hòa mình vào cảnh sắc núi rừng Tân Trào.
Người dân Tân Trào luôn tự hào bởi trong những ngày tháng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới rặng duối này dân làng đã đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và các cán bộ về đây như một đại bản doanh của cách mạng.
Rặng duối cổ tại Tân Trào đa số có đường kính khoảng 50 cm. Với kích thước như vậy, tuổi đời của những cây duối ở Tân Trào lên tới hàng trăm năm được cho là có cơ sở. Anh Ma Văn Yên - Trưởng thôn Bòng (xã Tân Trào) cho biết, người dân luôn có ý thức chăm sóc, bảo vệ rặng duối cổ. Mỗi năm làng đều cắt cử người cắt tỉa, tạo tán để rặng duối sinh trưởng tốt. Ngoài ra từ những cây duối cổ người dân đã nhân giống để trồng tại nhiều nơi trong làng, xã vừa có bóng mát lại vừa tạo nét riêng có của đất Tân Trào này.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận