Sau khi trừ sinh hoạt phí bắt buộc, tôi chia số tiền còn lại thành bốn phần: 70% đầu tư, 10% quan hệ, 10% tiết kiệm, 10 % hưởng thụ.

Đọc hai bài viết chia sẻ về quan điểm sống đối lập là "Tôi hy sinh để con cháu ba đời sống sướng" và "Năm nào tôi cũng đi du lịch hưởng thụ dù gánh nợ", tôi nhận thấy cả hai tác giả đều duy trì quan điểm sống cá nhân của mình tới mức có phần cực đoan. Một người chi tiêu không cần biết tới ngày mai, còn người kia lại tiết kiệm cho tận ba đời con cháu.

Hai quan điểm này hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng tôi nhận thấy điểm chung của cả hai là đều tìm kiếm sự thỏa mãn cho bản thân mà không quan tâm đến cảm nhận của người khác. Tất nhiên, cả hai tác giả đều tự thừa nhận trong rằng họ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để theo đuổi lối sống của mình.

Với người chọn chi tiêu thoải mái, có thể thấy rõ ràng rằng rủi ro với gia đình bạn là không có khoản dự phòng. Nếu cuộc đời biến động, người thân có ốm đau, bệnh tật, công việc không thuận lợi, giảm thu nhập... bạn sẽ phải tiếp tục đi vay mượn người thân, hậu quả của việc thỏa mãn bản thân sẽ kéo theo gánh nặng cho gia đình, chưa nói tới xã hội.

Còn với người chọn tiết kiệm hết mức có thể, không biết có khi nào bạn nhìn lại xem bản thân muốn gì để hạnh phúc, con cháu bạn muốn gì để hạnh phúc? Một đứa trẻ lớn lên không biết rừng núi, sông biển, động vật hoang dã thực tế ra làm sao, không nhận được những phần thưởng khi có thành tích tốt trong học tập và cuộc sống, thì cuộc sống của bé liệu có hạnh phúc không? Nếu bạn có thể nhìn thẳng vào con và hỏi bé: "Con có thích cuộc sống như thế này không? Con có thích được ra biển không? Con thích được đi sở thú không?"... và để bé trả lời, bạn sẽ biết mình nên làm gì tiếp theo.

>> Con có nhà vì tôi 'hy sinh đời bố để củng cố đời con'

Cá nhân tôi luôn thưởng cho con mình một phần quà nào đó khi bé ngoan ngoãn, làm được việc đáng khen. Mỗi lúc ấy, tôi thấy đôi mắt con long lanh, vui mừng. Con nói với tôi rằng: "Con yêu ba nhiều lắm". Đối với tôi, hạnh phúc đó dù có tích góp 5-7 đời cũng không mua được. Và tất nhiên, để đổi 10% thu nhập của mình cho hạnh phúc đó, tôi thấy rất thỏa mãn. Thấm chí, tôi còn sẵn sàng đánh đổi nhiều hơn để chi tiêu cho những thứ hạnh phúc đó.

Vậy nên, tôi nhận thấy, những người chọn tiết kiệm thái quá hay hưởng thụ quá đà đều không tiếp cận được khái niệm "quản lý tài chính, quản lý thu nhập, chi tiêu thông minh". Thực ra, đây là khái niệm không khó và rất dễ tiếp cận, cũng như thực hành ở mọi lứa tuổi, từ đứa trẻ cho tới người già.

Gợi ý của tôi là các bạn hãy thử thống kê thu nhập của mình trong tháng và chia ra những mục đích cụ thể để quản lý chi tiết. Đối với người có thói quen hưởng thụ tối đa, sau khi trừ chi phí và các khoản sinh hoạt phí bắt buộc, hãy thử bắt đầu để lại 10 % thu nhập hàng tháng cho quỹ phòng ngừa rủi ro như một khoản bảo hiểm và tiếp tục sử dụng 90% kia để hưởng thụ như bạn từng làm.

Đối với người ưa tiết kiệm quá mức, hãy thử trích ra một khoản 10% thu nhập hàng tháng (nếu bạn thấy quá nhiều có thể giảm xuống 5% cho lần đầu) để làm điều gì đó thỏa mãn bản thân thực sự. Đó có thể là mua một ly cà phê chất lượng cao, hoặc "mua" hạnh phúc của chính con mình bằng một món quà nào đó. Tin tôi đi, 10% thu nhập mỗi tháng để đổi lấy hạnh phúc gia đình, vợ, con, là quá rẻ.

Mỗi con người, mỗi gia đình đều có cuộc sống riêng và giá trị riêng của mình, chúng ta không cần phải lấy cuộc sống của người khác để làm thước đo chính xác cho bản thân mình. Người giỏi có thể tiêu pha thoải mái và họ vẫn giàu có, nhà xe đầy đủ, bởi họ kiếm được rất nhiều tiền. Người kém hơn, thu nhập thấp hơn, nhưng không có nghĩa bạn không được nhận giá trị hạnh phúc. Cho nên, tất cả những điều tôi nói ở trên chỉ mang tính tham khảo và học hỏi. Mỗi người cần tự điều chỉnh cuộc sống của mình, bởi không có công thức chung nào cho tất cả.

Tôi có thể dẫn chứng nho nhỏ về bản thân để mọi người tham khảo (đừng bê nguyên cái của tôi rồi nói tôi sai): sau khi trừ các khoản sinh hoạt phí, và chi tiêu bắt buộc (tiền ăn, tiền học con, điện nước, xăng xe...), tôi chia ra các hạng mục: đầu tư, quan hệ, tiết kiệm, hưởng thụ. Đầu tư chiếm 70% tỷ trọng trong số dư hàng tháng của tôi (gồm bảy phần đầu tư rủi ro thấp, và ba phần rủi ro cao); quan hệ chiếm 10%, bao gồm: đối nội, đối ngoại (gia đình hai bên, khách hàng, đối tác...); tiết kiệm 10%; và 10% để hưởng thụ.

Tất nhiên, tôi sẽ sử dụng đúng mục tiêu đề ra. Nếu trong tháng, việc thưởng và quà cho các thành tích của con chiếm hết 10%, thì tháng đó vợ chồng tôi sẽ không hưởng thụ gì cả. Nếu tôi chưa hài lòng với điều đó thì sẽ tăng lên 15% hưởng thụ và giảm đầu tư xuống 65%... Tôi sẽ điều chỉnh cho tới khi nào cả gia đình đều đồng lòng, hạnh phúc và thoải mái thì thôi.

Vũ An Sơn

Bạn ưu tiên tận hưởng cuộc sống hiện tại hay sẽ nhịn ăn, nhịn tiêu để dành cho con cái? Bình chọn và chia sẻ quan điểm của bạn tại đây.