Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá đã được định hướng xây dựng các tiêu chí của nông thôn mới thông minh, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại cơ sở.

Đến thôn 4 - thôn thông minh đầu tiên của xã nông thôn mới kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá, ngoài cảnh quan nông thôn sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa trong cuộc sống nơi đây. 

Theo đó, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn rộng 50m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn… Mọi thông tin có thể chuyển tải đến người dân qua nhóm Zalo. Tình hình giao thông, an ninh trật tự trong thôn cán bộ đều nắm được qua hệ thống camera. Đến nay, tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt hơn 90%.

Được biết, ngay từ khi Thiệu Trung triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, một số người dân đã gương mẫu đi đầu vận động bà con hiến đất, mở rộng lòng đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và văn minh.

Nhân dân trong thôn đã đóng góp để trải nhựa các tuyến đường của thôn; thống nhất, đồng loạt xây dựng một mẫu tường rào cho từng tuyến, tạo nên nét đẹp riêng cho từng ngõ, từng xóm. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, hàng ngày vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm. 

Thôn 4 cũng là thôn đầu tiên của huyện Thiệu Hoá xây dựng thôn thông minh.

Thanh Hoá thúc đẩy số hoá trong xây dựng nông thôn mới thông minh  第1张 Một góc của huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá.

Trên địa bàn huyện Triệu Sơn, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, xã Vân Sơn đã có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực từ cấp xã đến cấp thôn. Gần 2 năm qua, xã đã xác định và thực hiện 3 trụ cột trong chuyển đổi số, gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong điều hành hoạt động và triển khai các nhiệm vụ của chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, công chức xã đã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm xử lý công việc. Hiện 100% văn bản đến và đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4.

Các thủ tục hành chính được niêm yết theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, được công khai trên trang thông tin điện tử “vanson.trieuson. thanhhoa.gov.vn”. Từ đó, đã nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, góp phần giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính và giao dịch của các tổ chức, công dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trong lãnh đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, xã Vân Sơn đã chọn ứng dụng Zalo để chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đến ủy ban và cán bộ thôn. Mỗi nhóm Zalo có hàng chục thành viên tương tác và triển khai các công việc, như: Nhóm cán bộ, công chức 36 thành viên, Nhóm bí thư chi bộ và trưởng thôn 33 thành viên, Ban chỉ đạo chuyển đổi số 75 thành viên, Nhóm an ninh - trật tự 31 thành viên...

Đến nay, Vân Sơn đã xây dựng được 2 phòng họp trực tuyến kết nối với hệ thống hội nghị của huyện, tỉnh và Trung ương. Trong đó, hội trường UBND xã có quy mô 300 chỗ ngồi và khu làm việc công sở xã có quy mô 50 chỗ ngồi. Những hội nghị trực tuyến toàn quốc hay học nghị quyết của tỉnh gần đây, hạ tầng kỹ thuật và phòng họp của xã đều đáp ứng được.

Trong lĩnh vực kinh tế, xã đã định hướng đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học để áp dụng xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý từ khâu nhập khẩu giống, sản xuất đến bán hàng.

Điển hình như trang trại nuôi lợn của ông Lê Duy Thanh ở thôn 3 trong xã Vân Sơn với quy mô 5.000 con, hiện được lắp hệ thống cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ bằng điện thoại thông minh. Trang trại cũng được lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn tự động đến từng ô nuôi để cho lợn ăn theo giờ đã định. Hệ thống camera theo dõi đàn vật nuôi được lắp đặt đến từng ô chuồng giúp chủ trang trại điều chỉnh lượng thức ăn và nước uống phù hợp. Việc áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi đã giúp chủ trang trại giảm được số lao động thường xuyên từ hơn 10 người xuống còn 3 người, đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận. 

Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xã Định Long, huyện Yên Định, Thanh Hoá đã phấn đấu xây dựng và đề ra các giải pháp trong cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại cơ sở. Hiện nay 100% số thôn trên địa bàn xã đã có cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho chuyển đổi số tốt. Đặc biệt, trên 95% hộ dân sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị kết nối Internet.

Xã cũng đã lắp camera an ninh và nhiều hộ dân đã chủ động lắp đặt camera an ninh. Hàng hóa nông sản địa phương được quảng bá, rao bán trên sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Trình độ dân trí trên địa bàn xã được nâng lên, đa số nhân dân có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin. 100% số thôn trong xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số và giúp người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử…

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa - Bùi Công Anh cho biết, đơn vị định hướng cho các địa phương ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã xây dựng các tiêu chí của nông thôn mới thông minh chứ không chờ đến lúc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mới xây dựng nông thôn mới thông minh. 

Các tiêu chí, chỉ tiêu mà gắn được với chuyển đổi số, hiện đại hóa gắn với công nghệ thông tin phải bắt tay vào làm là: ứng dụng công nghệ  vào sản xuất từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp đến các vấn đề an ninh trật tự trong thôn, xã…