Phát biểu tại Hội nghị quảng bá, kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc được tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong những năm qua, TP tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung.
Trên 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản thực phẩm, 1.350 làng nghề và làng có nghề. Số lượng sản phẩm OCOP của TP chiếm khoảng 20% sản phẩm OCOP của cả nước, với hơn 2.700 sản phẩm OCOP. Sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội rất đa dạng, phong phú, có nhiều sản phẩm qua chế biến sâu, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế…
Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP phục hồi ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 44,9 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%). Trong đó xuất khẩu nông, lâm sản của Hà Nội đạt 1,7 USD (hàng nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ).
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hơn 250 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Trong đó có nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như: quế, hồi, gia vị có 62 cơ sở xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Phân theo thị trường xuất khẩu chính có thị trường Châu Âu, Mỹ có 62 công ty; thị trường Châu Á nhiều nhất là khu vực Đông Á (69 công ty); khu vực Nam Á (50 công ty); khu vực Trung Đông (15 công ty); khu vực Đông Nam Á (23 công ty). Trong đó có khoảng 38 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu trái cây, mộc nhĩ, nấm hương, hạt đậu xanh, rau quả tươi, đông lạnh…
Theo ông Lò Văn Quyết, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 8 về xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Bên cạnh đó, có hàng rau, quả, xơ sợi, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… cũng chiếm vị trí khá lớn.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN. “Tuy nhiên, để vào được thị trường Trung Quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với thị trường này” - đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc nhấn mạnh.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Hằng, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật của các thị trường trọng điểm còn hạn chế dẫn tới một số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội vẫn có những lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm bị trả về.
Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật; các tiêu chuẩn về kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này.
Đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam Asean Trần Tuấn Minh, cho rằng, Việt Nam cần tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Trung Quốc, bởi đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác và hiểu rõ hơn nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, phát triển kênh thương mại điện tử, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, giảm chi phí phân phối. Các doanh nghiệp nên chủ động trong việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu rủi ro về pháp lý và chất lượng.
Đăng thảo luận