Được Iran hậu thuẫn và là người dẫn dắt lực lượng Hezbollah với sức mạnh quân sự đáng gờm, Hassan Nasrallah là gương mặt quyền lực hàng đầu Lebanon.

Hassan Nasrallah được những người Hồi giáo dòng Shiite tôn sùng, nắm quyền lãnh đạo Hezbollah với kho vũ khí lớn, uy lực và hiện đại hơn so với quân đội nhiều quốc gia, đồng thời kiểm soát cả các thể chế quan trọng của Lebanon.

Hezbollah là một đảng dòng Shiite và nhóm dân quân. Cánh chính trị của nhóm cùng các đồng minh chiếm gần một nửa ghế trong quốc hội Lebanon và một số vị trí trong nội các.

Không ai biết Nasrallah sống ở đâu và phần lớn các bài phát biểu của ông trong hai thập kỷ qua được phát từ một địa điểm bí mật.

Người đàn ông 64 tuổi có bài phát biểu mới nhất hôm 19/9, sau khi loạt thiết bị liên lạc của các thành viên Hezbollah phát nổ trong một cuộc tấn công chưa từng có mà nhóm này cáo buộc Israel gây ra.

Là một diễn giả tài năng, Nasrallah có khả năng chuyển từ những lời châm biếm nhằm hạ thấp kẻ thù sang các thông điệp đầy thịnh nộ để khích lệ lực lượng hơn 100.000 thành viên.

Nasrallah luôn xuất hiện trong chiếc áo choàng truyền thống và khăn xếp màu đen để chứng minh ông là hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed.

Thủ lĩnh Hezbollah - người quyền lực hàng đầu Lebanon  第1张

Hassan Nasrallah trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Iran năm 2019. Ảnh: Khamenei

Nasrallah sinh năm 1960 ở thủ đô Beirut, Lebanon. Ông theo học các chủng viện người Shiite ở Iran và Iraq để trở thành giáo sĩ Hồi giáo. Khi trở về Lebanon, ông tham gia Phong trào Amal, lực lượng dân quân người Shiite, và nhanh chóng vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao.

Ông đã kết hôn và có 5 người con nhưng người con trai cả thiệt mạng trong một chiến dịch chống lại quân đội Israel ở miền nam Lebanon.

Năm 1982, ông góp sức vào việc thành lập Hezbollah và lực lượng Hồi giáo dòng Shiite mới nổi này nhanh chóng trở thành bàn đạp đưa ảnh hưởng của Nasrallah vươn xa. 10 năm sau, ở tuổi 32, ông được chỉ định là người dẫn dắt nhóm, sau khi một trực thăng chiến đấu Israel hạ sát thủ lĩnh lúc bấy giờ Abbas al-Musawi.

Hezbollah là nhóm duy nhất từ chối từ bỏ vũ khí sau khi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm của Lebanon kết thúc vào năm 1990.

Nasrallah được tôn sùng ở Lebanon và khắp thế giới Arab sau khi Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon vào tháng 5/2000, chấm dứt 22 năm chiếm đóng dải biên giới, do sức ép từ các cuộc tấn công liên tục của Hezbollah.

Những năm Nasrallah lãnh đạo, ông đã đưa nhóm phát triển từ một lực lượng du kích thành thế lực chính trị hùng mạnh nhất đất nước. Về mặt kỹ thuật, Nasrallah không phải quan chức nhà nước Lebanon, nhưng ông là một trong những gương mặt chính trị có sức ảnh hưởng bậc nhất quốc gia.

Hezbollah được nhiều người Shiite ở Lebanon ngưỡng mộ vì hỗ trợ những tổ chức từ thiện địa phương, phát triển dịch vụ y tế, giáo dục tại các thành trì của nhóm và hỗ trợ người nghèo.

Mức độ nổi tiếng của Nasrallah tăng vọt trên khắp thế giới Arab sau khi một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã chấm dứt cuộc xung đột thảm khốc giữa Hezbollah và Israel vào năm 2006. Những người ủng hộ ông lúc bấy giờ phát những tấm áp phích có hình ảnh Nasrallah và tuyên bố "chiến thắng thiêng liêng". Nhưng kể từ đó, ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 với báo Washington Post, Nasrallah đã kể về cách niềm tin của ông được hình thành khi ông chứng kiến "những gì xảy ra với người Palestine, ở Bờ Tây, Dải Gaza, Golan và Sinai". Chúng dạy ông rằng họ "không thể trông cậy vào các quốc gia Liên đoàn Arab hay Liên Hợp Quốc. Cách duy nhất là cầm vũ khí chiến đấu với lực lượng chiếm đóng".

Những người mến mộ Nasrallah ấn tượng bởi cách ông phát triển và biến Hezbollah thành một lực lượng quân sự lớn ở Trung Đông. Họ nói rằng miền nam Lebanon đã được tận hưởng hai thập kỷ hòa bình hiếm hoi nhờ công của Nasrallah.

Thủ lĩnh Hezbollah - người quyền lực hàng đầu Lebanon  第2张

Người dân Lebanon theo dõi bài phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah ngày 19/9. Ảnh: Reuters

Số khác lại yêu quý Nasrallah vì lối sống khiêm tốn, trái ngược với nhiều lãnh đạo và chính trị gia Lebanon. Nasrallah tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng mức lương hàng tháng của ông không quá 1.300 USD.

Ông cũng không tỏ ra quá quan tâm tới cách mọi người nhìn nhận về mình. "Tôi không chờ lịch sử cởi trói cho tôi. Điều quan trọng là thượng đế giải thoát chúng ta và chúng ta làm người hài lòng", Nasrallah nói hồi năm 2016.

Dù vậy, ở một đất nước bị chia rẽ như Lebanon, Nasrallah cũng bị nhiều người căm ghét, đặc biệt là những người mơ ước về một quốc gia không có chủ nghĩa giáo phái và nơi mà pháp quyền được tôn trọng.

Họ cáo buộc Nasrallah biến Hezbollah thành một nhà nước thu nhỏ, đã gặm nhấm quyền lực chính phủ và củng cố ảnh hưởng của Iran tại Lebanon.

Những người phản đối cũng nói ông phá hỏng mối quan hệ giữa Lebanon với các quốc gia Arab, những nước có thể giúp đỡ Lebanon giải quyết những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là khi ông ủng hộ Houthi ở Yemen, lực lượng đối đầu với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khác.

Danh tiếng của Nasrallah trong thế giới Arab cũng bị tổn hại sau các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab năm 2011, khi ông cử các tay súng đến nước láng giềng Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Thủ lĩnh Hezbollah - người quyền lực hàng đầu Lebanon  第3张     Hai ngày Lebanon hỗn loạn vì loạt vụ nổ thiết bị liên lạc

Hai ngày Lebanon hỗn loạn vì loạt vụ nổ thiết bị liên lạc. Video: AP, AFP, Reuters

Kể từ khi xung đột Gaza bùng phát hồi tháng 7 năm ngoái, Hezbollah đã giao tranh với quân đội Israel gần như mỗi ngày ở khu vực biên giới nhằm hỗ trợ đồng minh Hamas. Nasrallah luôn coi Israel là mối đe dọa hiện hữu.

Hezbollah cũng là một trụ cột quan trọng của "Trục Kháng chiến" do Iran hậu thuẫn, trong đó có Houthi, lực lượng đã tấn công các tuyến vận hải hàng hải trên Biển Đỏ và dùng máy bay không người lái nhắm vào những mục tiêu ở Israel nhằm thể hiện ủng hộ Hamas.

Các vụ nổ liên tiếp tuần qua khiến Nasrallah đứng trước áp lực phải đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ kéo Lebanon vào một cuộc xung đột không mong muốn, giữa lúc đất nước đang chìm trong khủng hoảng.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Washington Post, Middle East Eye)