Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam vào sáng 4-10.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc gặp mặt là để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Đặc biệt trong những lúc đất nước khó khăn như chống đại dịch COVID-19, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh cùng đất nước vươn lên phát triển
Nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam ngay sau ngày thành lập nước (ngày 13-10-1945), Thủ tướng cho rằng Ngày Doanh nhân Việt Nam là để khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho nhân dân.
Thủ tướng: Huy động nguồn lực hợp tác công tư để thực hiện chuyển đổi xanhĐỌC NGAY
Do vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Đánh giá đội ngũ doanh nhân đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, một số doanh nghiệp phát triển vươn tầm quốc tế. Do đó, Thủ tướng mong muốn trong buổi gặp mặt này, các doanh nhân sẽ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển đất nước, doanh nghiệp doanh nhân.
Từ đó các doanh nhân đưa ra các góp ý để làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Đặc biệt góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển.
Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, với vai trò doanh nghiệp, doanh nhân là nòng cốt.
Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện có 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đến nay lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP
Khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều. Điều này thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới gấp 5 lần so với kỳ trước.
Tuy nhiên ông Dũng nhìn nhận sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược.
Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, khả thi
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất. Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn để phát huy vai trò tiên phong.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực...
Cứ 1.000 dân có 9,2 doanh nghiệp
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Nếu chỉ tính số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả, thì giai đoạn 2004-2022 đã tăng 8 lần, từ 91.755 doanh nghiệp lên 735.455 doanh nghiệp. Còn nếu so với số doanh nghiệp đang hoạt động thì đến 31-12-2023, đã tăng hơn 10 lần, đạt 921.372 doanh nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội. Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1000 dân năm 2023. Số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt hơn 1,88 triệu doanh nghiệp. Riêng năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004.
Đăng thảo luận