2.800 học sinh trường Lômônôxốp nghe chia sẻ về hành trình vượt khó của tác giả sách, một nạn nhân chất da cam dioxin, trong tiết chào cờ đầu tiên của năm học mới.
Sáng 5/8, học sinh trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tập trung ở sân trường, bắt đầu năm học mới với tiết sinh hoạt dưới cờ. Từ phía cổng trường, anh Đỗ Hà Cừ được mẹ đẩy xe lăn từ từ về phía sân khấu. Ở hai bên, học sinh vỗ tay lớn để chào mừng.
Tiết chào cờ hôm nay, học sinh không nghe thầy cô chia sẻ về kế hoạch, hoạt động trong tuần học tới hay các nội dung khen thưởng, kỷ luật như thông thường. Các em được nghe anh Cừ và mẹ chia sẻ về hành trình vượt qua khó khăn và cuốn tự truyện "Màu của Hy vọng".
Anh Đỗ Hà Cừ và mẹ trong buổi giao lưu ở trường Lômônôxốp, sáng 5/8. Ảnh: Dương Tâm
Anh Đỗ Hà Cừ, 40 tuổi, quê Thái Bình, bị khuyết tật vận động bẩm sinh do ảnh hưởng chất da cam từ bố. Bố anh là cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị những năm 1972-1973.
Từ lúc lọt lòng đến nay, anh Cừ chỉ có một tư thế nằm, cả cơ thể anh co quắp, duy nhất một ngón tay và trí não làm việc. Bệnh tật cũng khiến anh nói rất khó khăn và ngọng nghịu. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của mẹ, bà Nguyễn Thị Kim Sơn, anh vượt lên số phận, mở "Không gian đọc Hy vọng", phục vụ miễn phí cho cộng đồng.
Đến nay, câu lạc bộ đã lập được khoảng 30 không gian đọc, mỗi nơi có hàng nghìn đầu sách, nhiều bạn đọc thường xuyên.
Anh Cừ được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. Anh được nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia cùng nhiều giải thưởng, bằng khen khác.
Năm nay, anh Hà Cừ phát hành cuốn tự truyện "Màu của Hy vọng", kể về hành trình tự đọc, tự học của bản thân. Cuốn sách được nhiều người đánh giá sẽ khơi gợi cảm hứng, tiếp thêm động lực cho mọi người.
Buổi giao lưu ở trường Lômônôxốp là lần đầu trong 40 năm cuộc đời anh Cừ dự tiết chào cờ ở trường học. Với nhiều học sinh, đây cũng lần đầu được giao lưu với một nhân vật truyền cảm hứng trong ngày đầu năm học mới.
Giang Hà My, học sinh lớp 9, cảm thấy hào hứng khi được gặp gỡ một tác giả sách.
Vốn thích đọc sách, khi hay tin tác giả Đỗ Hà Cừ đến trường, Hà My đã tìm xem nhiều phóng sự, bài viết trên tivi và sách báo. Em cũng tìm cuốn "Màu của Hy vọng" và đọc hết 300 trang sách.
"Em không ngờ có thể gặp và giao lưu trực tiếp với chú Hà Cừ và mẹ ngay tại trường mình", Hà My nói. "Buổi nói chuyện truyền cảm hứng rất lớn cho em trong năm học mới".
Nguyễn Lê Minh, học sinh lớp 12, cho biết đang rất cần sự định hướng và động lực trong năm cuối cấp thì đọc được cuốn sách này. Sáng nay, Lê Minh đã chia sẻ về những câu tâm đắc trong cuốn sách, bày tỏ sự xúc động và ngưỡng mộ với tác giả.
Học sinh nghe chia sẻ của tác giả Đỗ Hà Cừ, sáng 5/8. Ảnh: Dương Tâm
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng, cho biết nhà trường rất chú trọng việc phát triển văn hóa đọc cho cả giáo viên và học sinh. Hàng năm, trường thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, xây dựng tủ sách ở lớp học, sân khấu hóa tác phẩm văn học...
"Buổi giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ hôm nay cũng nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường", thầy Tùng nói.
Ngoài ra, theo thầy Tùng, nhà trường mong giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, ảnh hưởng của chất độc màu da cam đến những số phận trong cuộc sống.
"Câu chuyện về sự vươn lên mạnh mẽ của tác giả, một nạn nhân của chất độc da cam, sẽ truyền cảm hứng để học sinh nỗ lực học tập, rèn luyện trong năm học mới", thầy Tùng hy vọng.
Năm học 2024-2025 khai giảng vào ngày 5/9. Tuy nhiên, các trường tư có thể tựu trường sớm hơn đến 4 tuần, theo quy định riêng. Vì vậy, nhiều trường ở Hà Nội như Lômônôxốp, Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Quốc tế Thăng Long... đón học sinh từ ngày 1/8 để ổn định nền nếp, bắt đầu chương trình học từ hôm nay.
Đăng thảo luận