Trung Quốc: Mạng 5G giúp "lột xác" các vùng quê nghèo ra sao?

(Dân trí) - Nhắc đến chuyển đổi số và mạng 5G, nhiều người sẽ nghĩ đến những thay đổi trong công nghệ, viễn thông… Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi số và 5G đang tác động sâu sắc và "lột xác" những vùng quê nghèo.

Tại Sự kiện Sustainability Forum (Diễn đàn phát triển bền vững) 2023 vừa diễn ra tại Trung Quốc, hãng công nghệ Huawei đã công bố những giải pháp số hóa cho các vùng nông thôn nhằm thúc đẩy hiện đại hóa các ngành nghề ở các vùng sâu vùng xa, thúc đẩy hòa nhập kỹ thuật số và tăng sức sống cho nền kinh tế. 

Trong đó có thể kể đến việc Huawei và các nhà mạng đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương tại làng Tân Trại và làng cổ Hòa Thuận (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để triển khai mạng 5G vào hoạt động giám sát, sản xuất café, thúc đẩy mô hình du lịch văn hóa và lịch sử tại địa phương.

Số hóa và mạng 5G giúp phát triển những vùng quê nghèo

Trung Quốc: Mạng 5G giúp "lột xác" các vùng quê nghèo ra sao?  第1张

Các trạm phát sóng 5G được đặt xung quanh làng Tân Trại giúp mang đến trải nghiệm kết nối tốt nhất cho người dân và khách du lịch (Ảnh: Huawei).

Trước khi có sự vào cuộc của chuyển đổi số, Tân Trại là một ngôi làng ảm đạm, nằm trên sườn núi cao khoảng 1.000m của tỉnh Vân Nam. Tuy chuyên canh cà phê, song ngành cà phê của Tân Trại lại không có triển vọng, khiến người nông dân muốn cắt giảm cây cà phê để trồng loại cây khác.

Song với quyết tâm bảo vệ thương hiệu "Làng cà phê đệ nhất Trung Quốc", lãnh đạo địa phương đã đề ra kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cấp ngành cà phê truyền thống.

Theo đó, từ năm 2013, Tân Trại đã rất chú trọng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển mạng không dây với các trạm phát sóng trải rộng khắp khu vực.

Địa phương đã triển khai ứng dụng 5G mạnh mẽ vào các hoạt động sản xuất cũng như khuyến khích xây dựng các khu vực trải nghiệm, phát triển du lịch, văn hóa dựa trên hoạt động nông sản.

Trong đó, sự kết hợp giữa 5G cùng các cảm biến IoT đã giúp người dân thu thập dữ liệu trong quá trình trồng trọt, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và độ pH của đất để đưa ra phân tích dữ liệu hiệu quả, giúp người dân có kế hoạch trồng trọt phù hợp, cải thiện năng suất và chất lượng cà phê, từ đó cải thiện lợi nhuận cho khu vực.

Bên cạnh đó, làng Tân Trại còn phát triển du lịch xung quanh cây cà phê, hàng năm đón hơn 100.000 lượt khách du lịch.

Từ một vùng quê nghèo, Tân Trại dần trở thành làng cà phê hiện đại, không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho việc trồng trọt của người dân mà còn nâng cao trải nghiệm khách tham quan, góp phần cho sự phát triển của ngành nông thôn.

Tương tự làng cà phê Tân Trại, theo cách trên, ngôi làng cổ Hòa Thuận cũng đã và đang trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, mang sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống lịch sử và công nghệ hiện đại.

Năm 2021, các trạm phát sóng 5G tại làng cổ Hòa Thuận được xây dựng và phủ sóng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Việc này tạo hạ tầng để triển khai thành công hàng loạt các ứng dụng thông minh, tối ưu hóa trải nghiệm du lịch của các du khách.

Tại đây, khách tham quan có thể dễ dàng tìm được vị trí đỗ xe phù hợp thông qua ứng dụng thông minh, hay không lo bị lạc đường nhờ ứng dụng hỗ trợ các tính năng lập kế hoạch lộ trình, tìm nhà hàng, đặt phòng khách sạn... Trong khi đó, trung tâm quản lý của làng có thể nhận được cảnh báo từ 50 điểm giám sát, giúp ứng phó trong thời gian thực với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.

Khắp nơi tại làng du lịch Hòa Thuận còn được trang bị hệ thống camera HD nhìn từ trên cao; hệ thống giám sát phòng cháy; hệ thống giám sát chất lượng không khí và nguồn nước… Từ đây, việc vận hành khu du lịch sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, nâng cao hiệu quả khả năng bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho du khách.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ cũng đã được nâng cấp thông minh. Chẳng hạn như dịch vụ quét mã QR để in ảnh nhanh chóng hoặc các băng ghế dài tích hợp sạc điện thoại di động nhờ trang bị pin năng lượng mặt trời và ổ cắm điện.

Những công nghệ tiên tiến được áp dụng tại các miền quê này gồm 5G, IoT, Cloud...

5G trở thành nền tảng để các công nghệ thông minh như AI, Cloud, VR... phát triển và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa.

Trung Quốc: Mạng 5G giúp "lột xác" các vùng quê nghèo ra sao?  第2张

Ghế tích hợp sạc điện thoại không dây nhờ năng lượng mặt trời được lắp đặt tại làng Hòa Thuận giúp tạo sự tiện lợi cho các du khách (Ảnh: Huawei).

Nông thôn mới Việt Nam trước bài học thành công tại Trung Quốc

Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong hơn 10 năm qua, nông nghiệp - nông thôn Việt nam đã có những sự bứt phá mạnh mẽ: Nền nông nghiệp chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, đời sống người nông dân được cải thiện…

Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số Quốc gia cũng xác định Nông nghiệp và Nông thôn là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên, theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành, như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường…

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, chỉ trong 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn như: biến động dân số, đô thị hóa, thay đổi khí hậu, toàn cầu hóa thương mại, nhiều đối thủ cạnh tranh…

Do đó việc đón nhận những giải pháp công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ trở thành xu hướng tất yếu.