Trung Quốc cho phép công chúng tham quan 9 nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước nhằm nâng cao nhận thức về năng lượng hạt nhân và vấn đề an toàn.

Trung Quốc tìm sự ủng hộ của dân thúc đẩy xây 30 lò phản ứng mới  第1张

Nhà máy điện hạt nhân Haiyang ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh:Global Times

Động thái thu hút sự ủng hộ cho năng lượng hạt nhân được Trung Quốc thực hiện trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng. Mới đây Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã giới thiệu hệ thống đặt chỗ để giúp du khách dễ dàng tiếp cận chương trình du lịch hạt nhân.

Vào ngày 7/8, sự kiện ra mắt đã được tổ chức tại một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Phúc Kiến. Du khách đã được phép tham quan bốn lò phản ứng CPR-1000 của nhà máy điện hạt nhân Ninh Đức. Du khách cũng có thể chọn tham quan nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng, dự án điện hạt nhân đầu tiên ở miền tây Trung Quốc. Nhà máy này, chỉ cách biên giới Việt Nam gần 50 km.

Cơ quan điện hạt nhân Trung Quốc hy vọng rằng chương trình này sẽ không chỉ thúc đẩy du lịch địa phương mà còn tăng cường sự ủng hộ của công chúng đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân vào thời điểm Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon bằng không vào năm 2060.

Theo CGN, các chuyến thăm này dự kiến sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về năng lượng hạt nhân và cách các nhà máy xử lý các vấn đề như phóng xạ và kiểm soát an toàn.

Trong 10 năm qua, hơn 34 gigawatt (GW) công suất điện hạt nhân đã được bổ sung ở Trung Quốc, nâng tổng số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động lên 55 với tổng công suất ròng là 53.2 GW tính đến tháng 4/2024, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Mỹ hiện có số lượng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất, với 94 lò phản ứng, nhưng phải mất gần 40 năm để nước này bổ sung công suất điện hạt nhân tương đương với những gì Trung Quốc đã làm trong 10 năm.

"Đây không chỉ là một hoạt động phổ biến khoa học công cộng, mà còn là một khám phá quan trọng trong lĩnh vực du lịch hạt nhân," Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên CGN, ông Guo Xingang, phát biểu trong sự kiện. "Điều này không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết và tin tưởng của công chúng vào năng lượng hạt nhân, mà còn đóng góp vào sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp điện hạt nhân của đất nước tôi."

Trung Quốc đã đạt được sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhưng đến năm 2022, điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của nước này. Trong khi đó, điện hạt nhân chiếm gần 18% sản lượng điện ở Mỹ.

Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược dài hạn vào năm 2011 để phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu điện và giải quyết các vấn đề môi trường.

Minh Thảo (Theo Interesting Engineering)