Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ESG để thu hút đầu tư
(Dân trí) - Các quỹ ESG của Trung Quốc có những đặc điểm riêng khiến nhà đầu tư e ngại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang có những thay đổi để phát triển bền vững, minh bạch, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Mới đây, Trung Quốc đã yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội. Việc tuân thủ và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc ESG có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 40% GDP của Trung Quốc trong năm ngoái.
Tuy nhiên, năng lượng tạo ra vẫn nhiều hơn nhu cầu sử dụng dẫn đến dư thừa và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xe điện hay pin mặt trời. Trung tâm nghiên cứu nhận định rằng Trung Quốc cần tìm ra các lĩnh vực hoàn toàn mới để đầu tư.
Không những vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng cao tính minh bạch về ESG không đủ để bù đắp cho lo ngại về vấn đề can thiệp của Chính phủ Trung Quốc.
Alecta, công ty hưu trí lớn nhất Thụy Điển với danh mục đầu tư 113 tỷ USD, chia sẻ rằng năm ngoái họ đã không đầu tư trực tiếp vào các công ty Trung Quốc do lo ngại rủi ro pháp lý từ sự can thiệp của nhà nước.
Những tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Trung Quốc (Ảnh: ESG News).
Theo bà Anqi Dang, trợ lý cao cấp tại Quỹ khí hậu châu Âu, dù quy định ESG của Trung Quốc có một số điểm đặc thù nhưng các quy định này cũng hướng tới mục tiêu chung tương tự như quy định của châu Âu.
Năm 2023, Ngân hàng Neuberger Berman tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ra mắt quỹ trái phiếu xanh đầu tiên tại Trung Quốc. Ngân hàng này cũng có kế hoạch cung cấp thêm các sản phẩm ESG cho nhà đầu tư tại nước này.
Ông Patrick Liu, Giám đốc khu vực của Neuberger Berman, cho biết các quy tắc ESG mới là một bước tiến hướng tới tính minh bạch, bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu và giúp nhà đầu tư để đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.
Theo ông Leo Ho, chuyên gia phân tích tại công ty tài chính Daiwa Capital Markets, hơn 70% doanh nghiệp được yêu cầu đã phát hành các báo cáo về tính bền vững. Điều này cho thấy các quy định về ESG không phải là rào cản với các doanh nghiệp.
"Chúng tôi đánh giá việc công bố thông tin trên thị trường còn nhiều hạn chế. Một số công ty có thể cần phải cải thiện hoặc tinh chỉnh công bố thông tin trong một số lĩnh vực nhất định để đáp ứng các yêu cầu mới nhất", ông Leo Ho lưu ý thêm.
Theo Bloomberg, ESG News
Đăng thảo luận