Với bốn quy tắc ứng xử nòng cốt gồm "Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm”, người trẻ sẽ là những người tiên phong trong lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực, hướng tới một không gian mạng văn minh.

Trung ương Đoàn đưa ra 4 quy tắc cho người trẻ ứng xử văn minh trên mạng  第1张

Lễ phát động triển khai cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng" giai đoạn 2023 - 2030 - Ảnh: Trung ương Đoàn

Ngày 14-10 tại Thái Nguyên, Trung ương Đoàn tổ chức lễ phát động triển khai cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng" giai đoạn 2023 - 2030.

Tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ những năm qua, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống mỗi người. Không gian mạng là kho tàng thông tin khổng lồ, phong phú, đa dạng, giúp ích rất nhiều cho thanh niên trong học tập, lao động, vui chơi giải trí, kết nối và mở rộng mạng lưới giao tiếp.

Tuy nhiên, những yếu tố tiêu cực của thông tin trên không gian mạng cũng vì vậy mà tác động tới thanh niên nhiều nhất. Đó là thực trạng ứng xử thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội của một bộ phận đoàn viên, thanh thiếu niên. Một số người thiếu ý thức trong việc sử dụng ngôn từ, đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, hoặc có những hành vi kích động, thù hận, bạo lực.

Đặc biệt, tình trạng tin giả, tin sai sự thật có chiều hướng gia tăng về số lượng và ngày càng phức tạp.

  • Trào lưu mukbang 'phần ăn khổng lồ' truyền 'cảm hứng' không tốt

  • Nín thở trên 30 giây kiểm tra phổi: Trào lưu nguy hiểm

  • 'Hết hồn' trào lưu bẻ xương khớp trị đau, ăn cà rốt chấm mù tạt 'trị mập'...

Từ thực tế đó, Trung ương Đoàn triển khai cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh thiếu niên về ý thức, trách nhiệm đối với việc ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội, tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội.

Dịp này, đoàn viên, thanh niên được lắng nghe chia sẻ thực tế của các diễn giả, khách mời về thực trạng ứng xử trên không gian mạng ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ không thể phủ nhận những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực của không gian mạng đến bản thân mỗi người hiện nay.

Ông nhận định chúng ta sẽ là nạn nhân của chính mình khi sử dụng mạng xã hội mà không có mục tiêu, thiếu kiến thức và không thể kiểm soát. Các bạn trẻ thường lên mạng quá nhiều thời gian và bị cuốn theo các trào lưu, dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng cảm xúc, như việc thấy mình kém cỏi, dẫn đến tức giận, đố kị với người khác.

Theo ông, trước khi chờ đợi các quy định của cơ quan nhà nước hay bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng được ban hành, mỗi người cần tự có những quy tắc riêng, có hành vi ứng xử văn minh để "mỗi đoàn viên thanh niên là một chiến sĩ trên không gian mạng".

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân sau nhiều năm sử dụng mạng xã hội, diễn viên Thu Quỳnh - phó bí thư chi đoàn Nhà hát Tuổi Trẻ - cho biết từng có giai đoạn chị dành rất nhiều thời gian để lướt mạng một cách vô ích và cũng từng bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực, là nạn nhân của mạng xã hội.

"Để không trở thành nạn nhân của chính mình và không gây ra tổn thương cho người khác, chúng ta hãy chậm lại một chút, chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, lan truyền đến người khác", diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ.

Bốn quy tắc ứng xử nòng cốt

Tại buổi lễ phát động, đoàn viên, thanh niên cả nước cùng tham gia gửi thông điệp, cam kết ứng xử văn minh trên mạng xã hội thông qua ứng dụng công nghệ Chatbot AI.

Với bốn quy tắc ứng xử nòng cốt gồm "Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm", thông qua việc cam kết, các đoàn viên, thanh niên sẽ là những người tiên phong trong lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực, hướng tới một không gian mạng văn minh hơn.