Thừa Thiên - HuếTrung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức khởi công trùng tu di tích Thái Tổ Miếu, nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn, ngày 23/10.
Thái Tổ Miếu được vua Gia Long xây dựng năm 1804 ở phía đông nam của hoàng thành Huế để thờ 9 đời chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Quần thể rộng gần 15.000 m2, gồm tòa điện chính theo lối nhà kép, chính đường 13 gian 2 chái kép, tiền đường 15 gian 2 chái đơn.
Phía đông điện chính là điện Long Đức, phía nam có điện Chiêu Kính, phía tây là điện Mục Tư. Trước sân Thái Miếu có gác Tuy Thành 3 tầng, có nhà Tả Vu, Hữu Vu. Toàn bộ Thái Tổ Miếu có tường gạch bao bọc, trổ 5 cửa ra các phía.
Hiện trạng di tích Thái Tổ Miếu trước lúc trùng tu. Ảnh: Võ Thạnh
Năm 1947, các công trình chính ở Thái Tổ Miếu bị thiêu rụi. Để có nơi thờ tự các chúa triều Nguyễn, vào năm 1971, Từ Cung thái hậu cùng hoàng tử Bảo Long đã góp tiền xây dựng lại một tòa nhà trên nền đất cũ. Sau chiến tranh, công trình xuống cấp, nguy cơ sụp đổ, các án thờ 9 chúa triều Nguyễn được di chuyển thờ tạm tại Triệu Tổ Miếu ở phía đằng sau.
Để trùng tu Thái Tổ Miếu, đơn vị thi công sẽ hạ giải, phân loại đánh giá, bảo quản, lưu giữ hiện vật; di dời toàn bộ cây xanh và vật liệu không đúng vị trí, sai quy cách; trang trí ô hộc lát đá Thanh bó vỉa khu vực tiền điện; tu bổ, phục hồi các mặt tường móng xung quanh; chống mối nền và đổ bêtông nền.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế làm lễ động thổ trùng tu. Ảnh: Bảo Minh
Cổng Thái Tổ Miếu sẽ được gia cường nền móng, chống ẩm nền; cân chỉnh và tu bổ phần nền, bậc cấp bên trong và bên ngoài. Đơn vị thi công sẽ cho bóc tách phần vữa bị mủn mục, tô trát phục hồi bằng vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện; phục hồi hệ mái, các họa tiết trang trí... Tổng kinh phí trùng tu 52 tỷ đồng.
Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết việc trùng tu Thái Tổ Miếu giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2028.
Võ Thạnh
Đăng thảo luận