Nhiều người xem nhà thừa kế như trúng số độc đắc, đem bán ngay rồi mua chỗ xa hơn, lấy tiền dư tiêu xài - một sai lầm tai hại.
"Sai lầm lớn nhất của nhiều người là xem tài sản thừa kế giống như trúng số. Thực tế, rất ít người người giữ được tiền trúng số sau 5 đến 10 năm. Nếu như bạn được một căn nhà thừa kế, rồi đem bán đi và đổi sang căn nhà khác ở vị trí trung tâm, diện tích lớn hơn, tiềm năng tăng giá mạnh hơn trong tương lai, phù hợp với gia đình công việc hơn... thì niềm vui sẽ nhân lên gấp bội.
Ngược lại, nếu một căn nhà thừa kế đó bạn bán đi chỉ để trả nợ nần, đổi lấy bất động sản khác nhỏ hơn, xa hơn, vị trí xấu hơn, không có tiềm năng gia tăng giá trị, rồi lấy tiền dư để tiêu xài cá nhân... thì chắc chắn chỉ có nỗi buồn về sau.
Một số người mang tư tưởng 'không bẻ đất ăn dần'. Điều đó đúng, nhưng ở đời đâu ai biết trước được chữ 'ngờ'. Bán tài sản thừa kế để mua một tài sản khác lớn hơn, tiềm năng tăng giá mạnh hơn, lợi tức hàng tháng cao... thì có gì không tốt? Rất nhiều người mua đi, bán lại nhà đất mà thành đại gia bất động sản đó thôi.
Anh rể tôi vừa bán một hecta đất rẫy ở Đức Hòa, Long An, đổi lấy 65 m2 đất thổ, hẻm xe hơi chạy ở Bình Tân, TP HCM. Anh chị còn đang tính bán thêm hai nền đất thổ cư ở Mộc Hóa, Long An để lấy tiền xây nhà ở nữa. Tất cả đều là do nhu cầu bản thân. Không phải anh bán để tiêu xài cá nhân, mà do công việc, con cái đi học trên này nên phải chấp nhận đánh đổi. Thành công hay thất bại là do quyết định của riêng mỗi người.
>> Tôi không cần tài sản thừa kế bố mẹ cả đời tích lũy
Ở đây, tôi chỉ phản đối những người bán tài sản thừa kế để tiêu xài cá nhân, không có định hướng đầu tư rõ ràng, xem tài sản thừa kế như trúng số độc đắc. Có điều, bán nhà thừa kế để đầu tư là một việc rủi ro cao, rất áp lực, chứ không phải không được phép bán. Nhưng với tốc độ tăng giá trị thực của bất động sản hiện nay, cộng thêm tốc độ đô thị hóa..., tôi cho rằng khó lòng có hình thức đầu tư nào đáp ứng được việc bảo toàn và phát triển tài sản thừa kế.
Những người bán tài sản thừa kế lấy tiền đầu tư kinh doanh thành công không ít, nhưng thất bại còn nhiều hơn gấp bội. Lý do chính dẫn đến thất bại đó là họ thiếu năng lực quản lý tài chính. Năng lực kiếm tiền, giữ tiền và quản trị nhân sự của họ cũng chưa tới ngưỡng làm chủ được số tiền quá lớn đó.
Người đời có câu: 'Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời'. Đừng biến con bạn mặc nhiên trở thành đời thứ tư với câu nói trên chỉ vì cho thừa kế sai cách. Đừng để con hết mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời. Học giỏi là một chuyện, nhưng thực hành giỏi mới tạo ra được giá trị thặng dư. Quan trọng nhất là làm sao để khai thác, kinh doanh, cho thuê đát thừa kế sao cho hiệu quả và lợi nhuận nhất, ít nhất cũng bảo toàn tài sản và từng bước đi lên".
Đó là quan điểm của độc giả Anh Hải cho câu hỏi "làm gì khi được thừa kế căn nhà?" sau bài viết "8 tuổi đã có thừa kế nhưng tôi không 'bẻ đất ăn dần'". Đây cũng trăn trở của rất nhiều người khi đứng trước tài sản do cha mẹ để lại. Giữ lại căn nhà và tập trung tăng thu nhập và tiết kiệm, hay lập tức bán đi để đầu tư, kinh doanh? Có lẽ sẽ không có câu trả lời nào đúng cho tất cả. Vấn đề là mỗi người cần có một chiến lược tài chính linh hoạt và kế hoạch rõ ràng trước khi quyết định làm gì với căn nhà thừa kế.
- Nhà tôi ba đời chia đều thừa kế
- 'Người bản lĩnh không trông chờ thừa kế'
- Tôi cho con gái 50% tài sản thừa kế trước khi đi lấy chồng
- Con trai nhận một nửa tài sản thừa kế dù có bốn anh chị em
- Mẹ bắt tôi ở cùng chăm sóc nhưng găm tài sản thừa kế cho đứa ở xa
- 'Tôi như bát nước đổ đi khi cha mẹ cho con trai thừa kế hết tài sản'
Đăng thảo luận