'Phải chi hồi đó lo học hành thì giờ đã khác', người bạn nối khố của tôi chép miêng than khi khổ sở chạy ăn từng bữa ở tuổi 50.

Nhà chú tôi, đất đai ruộng vườn "cò bay thẳng cánh". Con cái chú cũng làm nông, lần lượt lấy vợ, gả chồng xung quanh đó. Rồi "sốt đất" đến, các con hối chú chia đất bán kiếm lời. Đợi đến lúc gần nhắm mắt xuối tay, chú mới chia đất cho từng đứa. Sau đó, con chú đứa nào cũng bán hết để lấy tiền tiêu, tính ra toàn cỡ chục tỷ trở lên (năm 2011), thành đại gia hết.

Vậy mà giờ, không còn đứa nào giữ được tiền của mình. Con chú còn nghèo hơn thời còn làm nông do đa phần chỉ mải lo ăn chơi, không nghề nghiệp do đất bán hết rồi, không biết đầu tư vì chẳng học hành đến nơi đến chốn. Có đứa đầu tư mở quán nhậu, quán cà phê nhưng tiền cứ đi ra mà không thấy đi vào.

Bởi vậy mới nói, kiến thức làm thay đổi tư duy của mỗi người nhiều thế nào. Dù bạn nghèo mà lo học, lo làm, rồi từ từ cũng đủ ăn hoặc giàu có. Còn không có kiến thức thì "tiền núi cũng lở".

Tất nhiên không phải cứ học xong là thành công được ngay. Tôi có một người cháu học rất giỏi, nhà rất giàu. Sau khi học xong đại học, cháu ra mở công ty làm ăn riêng, và chẳng có gì bất ngờ là công ty đóng cửa sau đó một năm. Sau đó, cháu về công ty người quen do ba mẹ gửi gắm và làm suốt ba năm. Tiếp đó, cháu về lại công ty xuất nhập khẩu rau quả của gia đình làm giám đốc và thể hiện cách quản lý cực giỏi, chỉn chu, đâu ra đó. Giờ cháu đã tách ra một mình một phương và thành công rực rỡ.

>> '40 tuổi mới nhận ra giá trị của tấm bằng đại học'

Khi ra đời, ai cũng phải cạnh tranh kiến thức, kỹ năng và thái độ với những người thông minh hơn mình và bạn sẽ thấy bản thân mình học bao nhiêu cũng không đủ. Nỗ lực học tập từ bây giờ, phần thưởng sau này có thể là đậu trường công học phí thấp, đậu đại học top đầu, dễ xin việc làm hay xin học bổng du học... Chứ suốt ngày an phận làm công nhân lương thấp, dễ bị sa thải, hay chạy xe ôm công nghệ chịu nắng mưa... lúc đó thành nhóm thu nhập thấp rồi lại hối không kịp.

Tôi lại nhớ ông bạn nối khố của mình, làm gì cũng được, trừ việc đi học. Đụng tới học hành là bạn tôi cảm thấy khó chịu, khổ sở. Cả tuổi thơ bạn chỉ có đi chơi và phụ ba mẹ làm ruộng. Thầy cô tới nhà vận động đi học là bạn trốn. Mà cha mẹ bạn cũng không quan tâm, chỉ khen con làm ruộng giỏi, giúp nhiều cho gia đình trong khi thời đó họ cũng có của ăn của để so với hàng xóm.

Bây giờ, tôi về quê chơi, gặp lại bạn, ngồi nhậu mà bạn cứ chép miệng than: "Phải chi hồi đó lo học hành thì giờ đã khác". Cả gia đình bạn giờ khổ lắm, chân lấm tay bùn, chạy ăn từng bữa ở cái tuổi 50. Con cháu bạn cũng bỏ học từ nhỏ, tứ tán đi làm thuê, làm công nhân.

Bởi vậy mới nói, tôi chẳng bao giờ thấy ông trưởng khoa bệnh viện, bà dược sĩ, cô luật sư, hay ông kiến trúc sư lên đây than vãn khi xưa do học hăng quá mà giờ khổ cả. Cái sự học quan trọng vô cùng. Ít nhất nó sẽ mở rộng đầu óc, tầm nhìn con người ta, muốn làm ăn cũng biết đường mà tính.

Phan The Nguyen