Phụ thuộc nguồn nước ngoại sinh
Theo Giám đốc Viện tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á Trần Chí Trung, Việt Nam là quốc gia được ưu ái về nguồn nước, có hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước mặt tương đối dồi dào. Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.940-1.960 mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới. Thế nhưng, là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông lớn, chảy qua địa phận nhiều nước nên Việt Nam có yếu tố bất lợi là lượng nước mặt phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngoại sinh. Hằng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta khoảng 520 tỷ mét khối nước, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước mặt của Việt Nam.
Hiện tại, tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm của Việt Nam là 80,6 tỷ m3/ 844,4 tỷ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước), trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỷ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp. Hệ thống tưới tiêu mới đủ cung cấp nước cho 4,2/11 triệu ha canh tác. Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.
Giám đốc Viện tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á Trần Chí Trung chia sẻ về an ninh nguồn nước.
Chính vì vậy, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước, điều hòa nguồn nước.
"Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt vào mùa khô; nhiều con sông, đoạn sông đang "chết" dần vì ô nhiễm, cạn kiệt ở hạ lưu sông", ông Trần Chí Trung chia sẻ.
Biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan tạo ra những biến đổi khó lường gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh, như Ninh Thuận, Bình Thuận; nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều vùng nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Nông dân và nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Hàng trăm nghìn héc-ta lúa, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề.
Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư, với nguyên nhân chính có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn.
Triển lãm giải pháp nguồn nước
Trước thách thức về những vấn đề biến đổi khí hậu, ngập lụt và ô nhiễm môi trường cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành nước, Informa Markets Vietnam tổ chức Triển lãm quốc tế ngành nước Vietwater và Công nghệ xử lý chất thải & môi trường -WETV 2024.
Họp báo ra mắt Triển lãm quốc tế ngành nước Vietwater & công nghệ xử lý chất thải & môi trường -WETV 2024.
Ban tổ chức cho biết, sự kiện diễn ra từ ngày 6-8/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện năm nay quy tụ hơn 450 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến các giải pháp công nghệ tiên tiến. Với diện tích trưng bày hơn 10.000 m², Vietwater 2024 dự kiến sẽ thu hút hơn 10.000 khách tham quan chuyên ngành trong ba ngày diễn ra triển lãm.
Ngoài các gian hàng trưng bày công nghệ, Vietwater 2024 và WETV còn có loạt sự kiện gồm: Chương trình kết nối kinh doanh độc quyền "Chạm kết nối – Tiếp thành công," và chuỗi hội thảo quốc tế chất lượng cao. Chuỗi hội thảo quốc tế với các chủ đề "Chiến lược đổi mới hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý nước thông minh," "Quản lý nước hiệu quả cho phát triển bền vững," và "Công nghệ thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn theo hướng phát triển xanh và chuyển đổi số" sẽ mang đến những kiến thức và giải pháp thiết thực, góp phần vào phát triển bền vững ngành nước và môi trường tại Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng Vietwater và WETV 2024 không chỉ là triển lãm thương mại mà còn đóng vai trò như một diễn đàn mở, nơi các doanh nghiệp, chính phủ, và các tổ chức quốc tế có thể chia sẻ ý tưởng, công nghệ và những sáng kiến tiên tiến, đồng thời tạo ra cơ hội kết nối kinh doanh quan trọng giữa các doanh nghiệp trong ngành", đại diện Ban tổ chức cho biết.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận