Cầu sắt hình cung bắc qua sông Cổ Cò nối vào khu du lịch có tiếng ở Hội An vừa được tỉnh Quảng Nam yêu cầu cải tạo hoặc làm mới để tàu thuyền đi lại thuận lợi.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu xử lý Koi nối khu du lịch ở Hội An  第1张

Cầu Koi bắc ngang sông Cổ Cò ở hướng phường Cửa Đại - Ảnh: B.D.

Ngày 8-10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sắp tới cầu Koi nối từ đường ven biển ở Cửa Đại qua khu lưu trú Koi Ressort Hội An sẽ được cải tạo hoặc tính toán xây mới.

Lý do, cây cầu hiện tại có độ tĩnh không quá thấp, gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại. Đặc biệt, khi tiến độ nạo vét sông Cổ Cò được đẩy nhanh về phía TP Hội An, lượng tàu phục vụ nạo vét di chuyển qua đoạn sông sẽ gia tăng.

Để đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào TP Hội An, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ngành liên quan sớm làm việc và yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitour (chủ cầu Koi) nghiên cứu cải tạo hoặc xây dựng mới cầu Koi nối từ phía biển vào Koi Resort.

Việc cải tạo hoặc xây mới phải hoàn thành trước hoặc cùng lúc dự án xây mới cầu Phước Trạch nằm ở gần đó.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu xử lý Koi nối khu du lịch ở Hội An  第2张

Dự án cải tạo, khơi thông sông Cổ Cò đang được triển khai từ Đà Nẵng vào Hội An - Ảnh: B.D.

Dù chỉ là cây cầu nối từ đường biển vào Koi Resort nhưng từ lâu cầu Koi được biết đến nhiều bởi màu đỏ đặc trưng. Nằm vắt ngang sông Cổ Cò, đoạn du lịch sông nước sầm uất nhất của Hội An, hình ảnh cây cầu cũng xuất hiện trên nhiều chuyên trang về du lịch. 

Tuy nhiên với cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp làm du lịch sông nước lân cận, cây cầu gây cản trở việc đi lại do độ tĩnh không quá thấp.

"Dáng vẻ cầu Koi khá đẹp nhưng từ khi xây dựng xong, ngư dân đi ghe thuyền, các doanh nghiệp đưa tàu du lịch qua lại rất vất vả. Việc xây mới hoặc nâng độ cao thành cầu vì thế rất cần thiết để bà con qua lại an toàn" - ông N.H.L., chủ một công ty du lịch ở Hội An, nói.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết cầu Koi được xây năm 2001, độ tĩnh không 15m x 4,5. Thông số này khá thấp nên tàu lớn khó qua lại, phụ thuộc nhiều vào triều cường.