Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cựu CEO Google Eric Schmidt và lãnh đạo các tập đoàn Apple, Meta và Supermicro tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann - Ảnh: TTXVN
Chiều 23-9 (giờ địa phương), nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp cựu CEO Google Eric Schmidt và lãnh đạo các tập đoàn Apple, Meta, và Supermicro.
Tiếp lãnh đạo Tập đoàn Apple, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định việc Apple và các đối tác tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thể hiện vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam cả từ góc độ củng cố chuỗi cung ứng hàng hóa lẫn phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Apple.
Tăng cường hợp tác Việt - Mỹ về phát triển công nghiệp bán dẫn và AI
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Apple và các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); nghiên cứu khả năng cung cấp các suất học bổng tài năng cho các sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)….
Cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, Phó chủ tịch Apple Nick Ammann đánh giá Việt Nam không chỉ là thị trường tuyệt vời đối với tập đoàn này, mà còn là một cứ điểm sản xuất của Apple để cung cấp hàng hóa của mình cho thế giới.
Ông Nick Ammann nhấn mạnh nhiều sản phẩm trọng yếu của Apple ngày nay đang được sản xuất tại Việt Nam và nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam nên tập đoàn đang phát triển và mở rộng sản xuất, đồng thời đánh giá cao triển vọng đầu tư vào Việt Nam, cũng như giá trị của thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng của tập đoàn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Tập đoàn Meta, ông Nick Clegg - Ảnh: TTXVN
Tại buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Meta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam để thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Mỹ nói chung và Tập đoàn Meta nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Về phần mình, chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta, ông Nick Clegg chia sẻ kế hoạch gia tăng sản xuất tại Việt Nam đối với các sản phẩm kính thực tế ảo Metaverse, mũi nhọn mới nhất của tập đoàn.
Chia sẻ dự định đến Việt Nam trong tuần tới, ông Nick Clegg hy vọng sẽ có cơ hội giới thiệu "Meta AI" để người dùng Việt Nam sử dụng thử nghiệm miễn phí, giúp mỗi người Việt Nam đều có thể tiếp cận "siêu công cụ" AI chỉ cần có điện thoại cá nhân.
Lãnh đạo Meta cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Wally Liaw, nhà sáng lập và là phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh Supermicro - Ảnh: DUY LINH
Trao đổi với ông Wally Liaw, nhà sáng lập và là phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh Supermicro, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh đề xuất hợp tác của tập đoàn trong lĩnh vực phát triển các trung tâm dữ liệu AI và hệ sinh thái sản xuất hệ thống máy chủ AI.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Supermicro và các đối tác liên quan đàm phán lộ trình cụ thể để triển khai các dự án hợp tác, trong đó có các dự án cung cấp giải pháp và phát triển hạ tầng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, cung cấp giải pháp máy chủ, phát triển các trung tâm dữ liệu AI, phát triển chuỗi cung ứng sản xuất hệ thống máy chủ AI.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tập đoàn Supermicro phối hợp với các đối tác sản xuất nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất của tập đoàn trong thời gian tới.
Chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, ông Wally Liaw cho rằng Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là việc Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Wally Liaw chia sẻ thêm rằng công ty vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sovico. Ông giới thiệu Tập đoàn Supermicro đang hợp tác chặt chẽ với Nvidia về phát triển AI và làm việc với Tesla, có cơ sở hoạt động tại nhiều nước.
Ông đánh giá cao cơ hội phát triển và đầu tư tại Việt Nam, cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ các khách hàng nói riêng lẫn Việt Nam nói chung phát triển AI.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Eric Schmidt, nguyên chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Google - Ảnh: TTXVN
Việt Nam có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á
Tiếp ông Eric Schmidt, nguyên chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Google, người đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển Google thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ông Eric Schmidt ở vai trò cố vấn có tiếng nói với Tập đoàn Google và đối tác liên quan tiếp tục mở rộng đầu tư, hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; cố vấn, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI và bán dẫn tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam kết nối đối tác lớn trên thế giới để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển hệ sinh thái, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.
Về phần mình, ông Eric Schmidt bày tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á, với những tín hiệu tích cực như nhiều công ty với công nghệ mới và nhiều câu chuyện thành công đi lên từ công ty nhỏ lẻ. Theo góc nhìn của ông Schmidt, điều tối ưu nhất cho Việt Nam là thành lập các công ty phần mềm chuyên về AI.
Ông cho biết nhiều nước khởi đầu với xây dựng công ty phần mềm cấp thấp. Tuy nhiên, ông tin tưởng Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tham gia phân khúc cao, dùng AI để giải quyết những vấn đề lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay môi trường. Ông bày tỏ hy vọng việc xây dựng các công ty phần mềm này sẽ được bao gồm trong chiến lược phát triển của Việt Nam và cam kết sẽ đưa nguồn vốn từ Mỹ đến các công ty này.
Đăng thảo luận