Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa thế giới.
Chia sẻ được bà đưa ra khi tham dự Hội nghị của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, thảo luận về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, hôm 21/9.
Tại đây, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group, kiêm Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Vietjet cho biết, đơn vị hiện có hơn 100 tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Hãng luôn mang theo sắc cờ đỏ sao vàng, giai điệu Hello Việt Nam, Bài ca Hồ Chí Minh và biểu tượng du lịch Việt Nam đến với hơn 200 triệu lượt khách vận chuyển, gần 150 đường bay khắp trong nước và quốc tế.
Đồng thời, bà hướng tới thúc đẩy ngành hàng không đổi mới từ kỹ thuật xăng dầu, điều hành bay, "đánh thức" hàng chục sân bay địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài vào đào tạo, công nghệ, sản xuất linh kiện...
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Group, Chủ tịch HĐQT Vietjet phát biểu. Ảnh: Tài Nguyên
Sovico, Vietjet đã thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo Innovation Hub nhằm mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, đưa Phở Thìn và bánh mỳ Việt Nam lên máy bay giới thiệu tới khách hàng quốc tế. Với tinh thần "máy bay Việt Nam bay tới đâu, bầu trời Việt Nam mở ra tới đó", Vietjet thành lập hãng hàng không Vietjet Thái Lan với 20 tàu bay, thuộc những hãng dẫn đầu tại Thái Lan.
Chủ tịch Vietjet cho biết, ở Việt Nam, hãng mang lại khoảng 30-40% doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, xăng dầu... thuộc hệ thống nhà nước. Năm 2023, hãng chuyên chở tới 6,8 triệu lượt khách quốc tế thúc đẩy du lịch với những đường bay mới mang khách mới đến từ Ấn Độ 1,4 tỷ dân; Indonesia 300 triệu dân, Australia, Kazakhstan cửa ngõ Nga và khu vực Trung Á với 200 triệu dân.
Vừa qua, đơn vị cũng trung chuyển khách từ Ấn Độ, Kazasktan qua Việt Nam tới Australia, Indonesia... đồng thời, xây dựng Việt Nam là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Học viện Hàng không Vietjet đã hợp tác với Airbus và đào tạo 50.000 lượt học viên mỗi năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (áo xanh, giữa) và lãnh đạo các doanh nghiệp dự hội nghị. Ảnh: Tài Nguyên
"Doanh nghiệp hãy mơ lớn, biến Việt Nam thành trung tâm động lực phát triển hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta nên khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như: Bangkok, Singapore, Hàn Quốc...", bà nhấn mạnh
Nữ tỷ phú cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar - hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại một trong các sân bay Việt Nam.
Hiện, doanh nghiệp trong nước bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện cùng phát triển ngành phụ trợ và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc sản xuất linh kiện tàu bay Boeing, lắp ráp tàu bay Airbus.
Ngoài ra, nữ doanh nhân cùng đội ngũ của mình cũng đưa ra quyết tâm cùng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã đề ra. Trong đó, tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp như Vietjet tiếp tục nỗ lực, đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng không, du lịch Việt Nam.
Nhật Lệ
Đăng thảo luận