Giới chức phương Tây muốn Ukraine vạch ra mục tiêu thực tế hơn cho xung đột, khi lực lượng Nga tiếp tục đà tiến quân trên nhiều mặt trận.

Kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022, lãnh đạo Ukraine luôn khẳng định phải đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga khỏi lãnh thổ trước khi bắt đầu đàm phán hòa bình.

Phương Tây vẫn ủng hộ mục tiêu lâu dài của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là giành lại lãnh thổ. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Kiev cần chuẩn bị "kế hoạch B" với những mục tiêu và chiến lược thực tế hơn.

Điều đó có thể giúp các quan chức phương Tây thuyết phục cử tri trong nước về duy trì cung cấp vũ khí và viện trợ khác cho Ukraine, giữa lúc Nga tiếp tục đạt nhiều bước tiến trên chiến trường và sự mệt mỏi trong nền tảng ủng hộ Ukraine đang ngày càng hiện rõ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy tuần trước tới Ukraine, được cho là nhằm thảo luận về "cách định nghĩa chiến thắng tốt nhất" cho Ukraine và những khoản viện trợ để Kiev đạt được điều đó. Một số quan chức cấp cao khác của Mỹ và châu Âu cũng đến Kiev trong vài tuần gần đây.

Các cuộc đối thoại cho thấy căng thẳng từ lâu giữa Kiev và phương Tây, xoay quanh mong muốn đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Ukraine và thực tế chiến trường. Quan chức cấp cao châu Âu tiết lộ Ukraine đã được thông báo rằng kịch bản "chiến thắng hoàn toàn" sẽ đòi hỏi phương Tây viện trợ hàng trăm tỷ USD, điều mà cả Washington và châu Âu đều không làm được.

Ukraine đối mặt áp lực xây 'kế hoạch B' cho xung đột với Nga  第1张

Ngoại trưởng Blinken (thứ hai từ bên trái) và Ngoại trưởng Lammy (thứ ba từ bên trái) trong cuộc gặp Tổng thống Zelensky tại Kiev ngày 11/9. Ảnh: AP

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến Kiev không nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. "Đàm phán chấm dứt xung đột sẽ là kết quả khả thi nhất, nhưng thời gian và điều kiện để tiến hành điều này đều phụ thuộc vào Tổng thống Zelensky", ông nói.

Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực thúc đẩy điều này, do những khác biệt trong yêu cầu của hai bên.

Quan chức phương Tây chỉ trích Nga không thể hiện thiện chí đàm phán, nhận định Moskva tin rằng họ có thể giành thêm lợi thế quân sự cần thiết để đánh bại Ukraine. Phương Tây tin rằng tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine là điều rất quan trọng.

Tổng thống Zelensky dự kiến có chuyến thăm quan trọng tới Mỹ trong tháng nay, nhằm trình bày "kế hoạch chiến thắng". Ông Zelensky muốn gặp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump, hai ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa, để thuyết phục họ ủng hộ kế hoạch. Tuy nhiên, chưa rõ các cuộc gặp có thể diễn ra hay không.

Quan chức ngoại giao phương Tây nhận xét cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sẽ rất quan trọng, có thể định đoạt mức độ hỗ trợ của Washington đối với Kiev trong tương lai. Ít người tin rằng phương Tây sẽ duy trì mức độ hỗ trợ hiện tại cho Kiev trong những năm tới.

Đề xuất hòa bình mới của ông Zelensky là dấu hiệu mới nhất cho thấy lãnh đạo Ukraine đang điều chỉnh lập trường về xung đột. Nhiều quan chức Ukraine, Nga và phương Tây tiết lộ Kiev hồi giữa năm đã cân nhắc đàm phán với Moskva về hạn chế tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Ukraine sẵn sàng chấp nhận đàm phán hòa bình đang tăng, trong khi hơn 50% vẫn ủng hộ chiến đấu để giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Nhà phân tích chính trị Oleksiy Kovzhun chỉ ra rằng chấm dứt giao tranh khi Nga đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Ukraine sẽ là rủi ro lớn với ông Zelensky. "Đó là hành động tự sát chính trị và nó không thể xảy ra", Kovzhun nói.

Jonathan Eyal, phó giám đốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng trao đổi riêng với Ukraine về những thách thức và xác định phương án giành chiến thắng trong tầm tay là điều cần thiết. "Tuy nhiên, phải cẩn trọng để không biến những cuộc thảo luận này bị hiểu lầm thành gây sức ép cho Ukraine", ông nói.

Một số đồng minh thân cận nhất với Ukraine như Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cảnh báo rằng quyết tâm của phương Tây nhằm giúp Kiev giành lại lãnh thổ đang suy giảm. Ông cũng lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về tăng tốc viện trợ và nới lỏng rào cản về sử dụng vũ khí tầm xa.

Thời điểm hiện tại được xem là nhạy cảm với Ukraine, khi mùa đông sắp đến và lực lượng Nga đang liên tục tiến quân trên mặt trận miền đông.

"Nga đã tập kích lưới điện Ukraine từ đầu năm, làm tăng nguy cơ người dân phải rời bỏ nhà cửa vì không có nguồn năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông", Eric Green, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và từng là cố vấn hàng đầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.

Chiến dịch tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh biên giới Kursk của Nga được ca ngợi là "đòn giáng" vào Điện Kremlin, nhưng nhiều người ở phương Tây lo ngại hoạt động này sẽ làm cạn kiệt khả năng phòng thủ của Kiev về lâu dài.

Ukraine đối mặt áp lực xây 'kế hoạch B' cho xung đột với Nga  第2张

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 11/9. Ảnh: AP

Quan chức Ukraine kỳ vọng cuộc tấn công Kursk sẽ buộc Nga rút quân từ mặt trận Donbass, gồm tỉnh Donetsk và Lugansk, để đối phó. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Kiev không đạt được mục tiêu và Moskva đang tiếp tục đẩy mạnh tiến công ở chiến trường miền đông.

"Cuộc tấn công hữu ích với Ukraine, bởi nó cho thấy họ vẫn có thể chiến đấu và gây bất ngờ", Green nói. Tuy nhiên, chuyên gia này thêm rằng một số quan chức phương Tây đang lo ngại đó chỉ là "niềm vui nhất thời" và sẽ khiến Ukraine phải hối tiếc trong 6-8 tuần tới.

Andrew Weiss, phó chủ tịch phụ trách về nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng các đối tác của Ukraine đang lo lắng nước này hụt hơi trước những cuộc tấn công của Nga, nhưng khẳng định các cường quốc phương Tây không gây sức ép buộc Ukraine nhượng bộ.

"Chiến dịch Kursk là lời nhắc nhở rằng Ukraine vẫn có thể hành động táo bạo và gây bất ngờ cho cả đối tác phương Tây", ông nói.

Cuộc tranh cãi suốt 6 tháng ở quốc hội Mỹ nhằm thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine đã khiến quan hệ giữa ông Zelensky và chính quyền Tổng thống Biden trở nên căng thẳng. Đức tháng trước cũng cắt giảm đáng kể ngân sách viện trợ cho Ukraine trong năm 2025, dù Thủ tướng Olaf Scholz dành phần lớn thời gian trong năm qua để kêu gọi châu Âu tăng viện trợ quân sự cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuần trước nói với quốc hội rằng Nga đang duy trì mật độ hỏa lực gấp 3 lần Ukraine. Moskva cũng đang tăng số lượng người nhập ngũ và dự kiến tuyển thêm 400.000 tân binh trong năm nay.

Ihor Reiterovich, chuyên gia của Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở Ukraine, khẳng định Tổng thống Zelensky đang thay đổi lập trường về xung đột.

Ông Zelensky vài tháng gần đây đã ngừng đề cập tới biên giới năm 1991, phần lãnh thổ bao gồm bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập 10 năm trước, như điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình. Dù vậy, ông Zelensky cũng không nói về ranh giới mới, khiến người dân Ukraine mơ hồ.

Reiterovich cho rằng chính phủ Ukraine nên đối thoại cởi mở với người dân về tương lai đất nước mà họ có thể chấp thuận. Điều này sẽ cho phép mở rộng tầm nhìn về cuộc xung đột. Nhiều chuyên gia khác cũng tin rằng nên tiến hành khảo sát dư luận để chính phủ Ukraine có thể đưa ra lựa chọn cho tương lai, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần hai theo tầm nhìn mới.

"Các cuộc khảo sát cũng sẽ cung cấp cho chính phủ những lập luận mạnh mẽ về cách đàm phán cho kế hoạch hòa bình", Lilia Rzheutska, nhà phân tích của DW, nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, DW)