Đến năm 2023 Việt Nam có tổng số nguồn gene thu thập và lưu giữ được là 80.911 (gấp 2,8 lần so với năm 2010), trong đó nhiều gene quý giúp lai tạo các giống mới năng suất chất lượng, giá trị cao.

Kết quả được nêu tại hội thảo đánh giá Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 – 2030, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 29/7.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận chương trình "đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ". Hiện nhiều nguồn gene được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Việt Nam lưu giữ hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý hiếm  第1张

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: La Duy

Theo Bộ trưởng, quá trình triển khai các nhà khoa học có thể gặp những khó khăn, cần giải pháp, cơ chế chính sách tháo gỡ, xây dựng hành lang pháp lý để chương trình hiệu quả hơn. Ông mong muốn nhà khoa học, các chuyên gia đề xuất các định hướng khoa học và công nghệ trong bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gene sinh vật đến năm 2030.

Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay tính đến năm 2023 tổng số nguồn gene thu thập và lưu giữ được là 80.911 (gấp 2,8 lần so với năm 2010). Trong đó Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thu thập hơn 10.000 nguồn gene các nhóm cây trồng; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các trường đại học có khoa lâm nghiệp thu thập bảo tồn gần 2.000 nguồn gene thuộc 70 loài cây lâm nghiệp, với các nguồn gene của nhiều loài quý hiếm, 100% nguồn gene bản địa về trồng ở một số nơi địa phương như Sơn La, Lào Cai, Ba Vì, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận. Đặc biệt số lượng nguồn gene có giá trị làm thuốc được phát hiện và thu thập, bảo tồn khoảng trên 7.000.

Việt Nam lưu giữ hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý hiếm  第2张

Ông Nguyễn Phú Hùng trình bày báo cáo đánh giá kết quả Chương trình quỹ gene giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030. Ảnh: La Duy

Báo cáo cũng chỉ ra hơn 14.000 nguồn gene đã được đánh giá chi tiết. Với đánh giá nguồn gene cây trồng tập trung về khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện môi trường bất thuận, phân tích chất lượng. Điển hình là cây lúa, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã đánh giá, phục tráng 3 giống lúa tẻ gạo mầu địa phương với nhiều tiềm năng, đặc tính nổi trội. Nhóm nghiên cứu phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo để đưa sản phẩm ra thị trường.

Các nguồn gene quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật cũng được khai thác sử dụng hiệu quả. Hiện có hơn 1.500 nguồn gene về dược liệu, nhiều công nghệ ứng dụng trong mô hình bảo tồn cây thuốc tại Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Hơn 50 loài dược liệu được khai thác và thương mại, trong đó có các gene quý như Sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, đinh lăng; bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ. Hơn 391 nguồn gene của 80 loài thủy hải sản được lưu trữ, trong đó nhiều gene sử dụng cho chọn giống mang lại kinh tế cao. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản 6,7 tỷ USD năm 2015 lên 8,97 tỷ USD năm 2023, theo báo cáo.

"Hơn 300 nguồn gene động, thực vật và trên 700 nguồn gene vi sinh vật được đưa vào khai thác, làm chủ được 178 quy trình công nghệ, kỹ thuật về nhân giống, chọn tạo giống", ông Hùng nói.

Tại hội thảo, 9 báo cáo tham luận từ đại diện Bộ, ngành, địa phương từ Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ cũng cho thấy các kết quả nổi bật. Thông qua các nhiệm vụ, sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia như ngọc trai Hạ Long xuất khẩu sang Anh, Ấn Độ, Nhật Bản với giá trị khoảng 6-8 tỷ đồng/năm; Trà hoa vàng Quy hoa đang đàm phán để doanh nghiệp Hàn Quốc phân phối toàn cầu; Hồi Bình Liêu xuất khẩu đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Một số nguồn gene đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, được xây dựng và bảo hộ thương hiệu như cam xã đoài, bưởi diễn, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, miến dong, vịt bầu cổ xanh, gạo bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn, Chè shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn.

Định hướng giai đoạn 2025-2030 Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm khai thác tốt nhất nguồn gene quý hiếm và đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh thu thập bảo tồn đến năm 2030 có trên 100.000 nguồn gene, cần tiếp tục xác định giá trị nguồn gene đã thu thập được. "Lựa chọn và đánh giá tiềm năng duy trì nguồn gene sinh vật có giá trị khoa học, kinh tế, xây dựng bản đồ gene của nguồn đặc hữu hoặc sản phẩm lực trọng điểm của Việt Nam", ông Hùng cho hay.

Theo GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong xu thế Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế nền tảng sinh học kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0, cho thấy tầm quan trọng và vai trò của nguồn gene bản địa trong phát triển kinh tế, xã hội dựa trên thế mạnh phát triển nông nghiệp và đa dạng nguồn gene bản địa. Do đó giai đoạn tới cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gene (số hóa nguồn gene theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ...) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gene động vật, thực vật và vi sinh vật học.

Việt Nam lưu giữ hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý hiếm  第3张

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: La Duy

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đánh giá chương trình đạt được 4/5 mục tiêu đặt ra, với hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý hiếm được lưu trữ, bảo tồn. Các báo cáo cho thấy sự đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tạo giống cây trồng vật nuôi mới, giống thủy sản mới hay cân nhắc ứng dụng thêm các công nghệ mới như đồng vị bức xạ, năng lượng nguyên tử tạo thế hệ gene mới. Với các địa phương, Thứ trưởng cho hay nghiên cứu nguồn gene góp phần tạo cây trồng chủ lực, hướng tới kinh tế xanh phát triển bền vững kết hợp du lịch, giúp công nghệ y dược phát triển.

Ghi nhận các ý kiến từ đại biểu, chuyên gia, Thứ trưởng ghi nhận những điểm tồn tại phải được khắc phục để triển khai tốt hơn trong giai đoạn tới. Ông nhấn mạnh cần hoàn thiện cơ chế, kêu gọi phê duyệt triển khai và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng mong muốn cùng đề xuất phương pháp, quy trình, chia sẻ kinh nghiệm tri thức quốc tế, kết nối trung ương tới địa phương trong xây dựng, triển khai khung chương trình để không bị gián đoạn. Ông nhấn mạnh các kiến nghị từ địa phương cần được lưu tâm và cần có sự đồng hành từ doanh nghiệp.

Như Quỳnh