Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại đã được các nước thống nhất tại Hội nghị COP27. Để giải quyết hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các nước phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết.

Trong thời gian gần đây, các cơn bão, hỏa hoạn, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn và trên đà tiếp tục xấu đi, nên nhu cầu bảo vệ con người và thiên nhiên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Theo báo cáo công bố giữa tháng 9 vừa qua của Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO), tiến bộ không đầy đủ đối với các mục tiêu về khí hậu đang làm chậm cuộc chiến toàn cầu chống lại nghèo đói và bệnh tật chết người.

Việt Nam nỗ lực tăng cường hành động khí hậu để thực hiện các cam kết của mình  第1张 Ảnh minh hoạ

Báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cũng cho thấy, nhiều nước đang phát triển dù là nhóm thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng.

Những tác động ngày càng phổ biến và rõ rệt của tình trạng nước biển dâng, cũng đang làm dấy lên câu hỏi về biên giới quốc gia, chủ quyền, vùng biển và tình trạng thành viên LHQ. 

Phát biểu tại phiên thảo luận về mối đe dọa sống còn của nước biển dâng trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu (Đại hội đồng LHQ khóa 78), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh, nước biển dâng là hậu quả trực tiếp của tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và nó đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người, trong đó có người dân Việt Nam. Vì thế, cần xem xét vấn đề nước biển dâng và tất cả các nỗ lực, biện pháp giải quyết tác động của hiện tượng này dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS).

Việt Nam hoan nghênh nghiên cứu của Ủy ban luật quốc tế về quy định và diễn giải của luật pháp quốc tế trong vấn đề nước biển dâng; hoan nghênh Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết về xin ý kiến tư vấn Tòa án công lý quốc tế về cam kết của các nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, để có thể giải quyết hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các nước phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết và tăng cường hành động, tài chính cho khí hậu, trong đó có các cam kết đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) và Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu tháng 9/2023. Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại đã được các nước thống nhất tại Hội nghị COP27.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh tới lợi ích của các nước có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có các quốc đảo nhỏ và các nước dễ bị tổn thương nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Lợi ích của các nước này cần được tính đến trong tất cả các kế hoạch, chương trình và hành động. Việc huy động ý chí chính trị và hành động của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các nước này là vô cùng quan trọng.

Là một trong số các nước có đường bờ biển dài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, Việt Nam hiểu rõ tác động của các hiện tượng này đối với an ninh và phát triển. Vì thế, Việt Nam rất nỗ lực tăng cường hành động khí hậu để thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc thành lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng và xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn, bài học với các nước và các đối tác để thúc đẩy các nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.