Những hình ảnh trước và sau bão Helene chụp từ trên không cho thấy dấu vết tàn phá cơn bão để lại ở bang Bắc Carolina, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Nước Mỹ đang tăng cường chuẩn bị ứng phó với siêu bão cấp 5 Milton, mức cao nhất theo thang của nước này, khi nó được dự báo đổ bộ vào Florida giữa tuần này.
Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ban bố tình trạng khẩn cấp với 51 trong 67 hạt của bang, dự đoán Milton có thể gây ra "những tác động rất, rất lớn". Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo khi bão Milton đổ bộ, "thiệt hại thảm khốc sẽ xảy ra" ngay cả với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, trong khi "điện nước sẽ mất trong vài ngày đến vài tuần".
Những cảnh báo khẩn cấp được đưa ra sau khi 6 bang đông nam nước Mỹ hứng chịu thiệt hại nặng nề vì Helene, cơn bão có sức gió 225 km/h đổ bộ vào khu vực này hôm 26/9.
Bão Helene đi qua các bang đông nam Mỹ. Đồ họa: NHC
Helene, cơn bão mạnh cấp 4, đã để lại vệt tử thần dài hơn 800 km ở 6 bang Mỹ, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đa số nạn nhân ở Bắc Carolina, nơi bão trút xuống lượng mưa lớn chưa từng có và gây lũ lụt thảm khốc.
Mưa trút xuống dãy núi Appalachia liên tục trong ba ngày, trở thành đợt mưa lớn trên diện rộng nghìn năm có một ở khu vực, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.
Dòng sông mới hình thành chảy qua nơi từng có nhà cửa, đường sá trước bão Helene ngày 3/10. Ảnh: Nearmap
Đất đai ở sườn núi ngậm nước đến mức bão hòa và sụt xuống, tạo ra một số trận sạt lở nghiêm trọng, xóa sổ nhiều căn nhà và cuốn trôi mọi thứ ra sông.
Mực nước dâng cao phá hủy cầu, đường, nhà cửa xuống vùng hạ lưu. Đó là những gì đã xảy ra tại Chimney Rock, thị trấn miền núi Bắc Carolina giáp sông Board.
"Mọi thứ ở hai bên bờ sông đã biến mất", lãnh đạo thị trấn Peter O'Leary nói. "Những thứ tưởng như không thể bị phá hủy giờ đây bị cuốn trôi hoàn toàn. Mọi cơ sở kinh doanh, tòa nhà đều bị phá hủy hoặc thiệt hại nghiêm trọng".
Các công trình bị phá hủy trong bão Helene ở thị trấn Chimney Rock, Bắc Carolina. Ảnh: Nearmap
Không riêng khu vực hẻo lánh như Chimney Rock, thành phố Asheville, nơi đông dân cư với nhiều công trình kiên cố, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sông vỡ bờ cuốn trôi nhà cửa, gây ngập lụt nghiêm trọng.
Gần hai tuần sau bão, mùi tử khí vẫn bốc lên, át đi không khí mát mẻ miền núi ở những con đường quanh co, biệt lập tại vùng nông thôn phía tây bang Bắc Carolina.
"Lái xe qua các vùng thành thị, ta có thể ngửi thấy mùi xác chết", Jazmine Rodgers, 32 tuổi, cố vấn một tổ chức phi lợi nhuận tình nguyện giúp đỡ người dân ở Asheville, nói.
Thành phố Asheville thuộc hạt Buncombe, nơi ghi nhận ít nhất 72 người chết, nhiều nhất bang. Theo Lillian Govus, phát ngôn viên hạt Buncombe, cơ quan giám định pháp y của hạt đã ngừng cập nhật số người chết và chờ đội ngũ hỗ trợ của bang đến giúp đỡ. Hàng trăm cư dân trong hạt vẫn mất tích sau bão.
Nhà cửa dọc một bờ sông ở Bắc Carolina bị cuốn trôi sau bão. Ảnh: Nearmap
"Tôi nhớ trong bão Katrina, người ta thường nói về mùi thối", Rodgers nói, giọng nghẹn ngào. "Đó là mùi của đắng cay, mất mát, có lẽ sẽ ám ảnh tôi hết đời".
Nằm dưới chân dãy núi Blue Ridge, thành phố Asheville trở thành "bồn chứa nước mưa" đổ xuống từ độ cao hơn 1.200 m, theo chỉ huy sở cứu hỏa Michaedl Cayse. Thành phố có 95.000 cư dân nằm ở nơi giao nhau của hai con sông lớn là French Broad và Swannanoa, khiến nơi đây dễ bị ngập lụt.
Nhiều khu vực rộng lớn ở phía tây Bắc Carolina, nơi cách bờ biển hàng trăm km, đã bị tàn phá đến mức không thể nhận ra. Công tác ứng phó khẩn cấp rất khó khăn vì cầu đường bị phá hủy, hệ thống liên lạc gián đoạn.
Một dòng sông chảy xiết qua nơi từng có nhà cửa và một cây cầu ở Bắc Carolina. Ảnh: Nearmap
"Quê hương tôi đã không còn nữa. Tôi lớn lên ở vùng phía tây bang Bắc Carolina, gần hồ Lure và mùa hè nào cũng đến Chimney Rock nghỉ mát. Bây giờ tất cả mọi thứ đã biến mất", Rodgers nói.
"Lái xe đi lòng vòng vài ngày nay, tôi không thể tin rằng mọi thứ đã bị xóa sổ. Tôi không muốn tin vào sự thật là con sông hiền hòa mọi khi đã cuốn trôi mọi thứ", cô bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Đăng thảo luận