Dù là nơi quy tụ nhiều trường đại học nhưng hạ tầng Đại học Quốc gia TP.HCM sau 30 năm vẫn chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng, thủ tục. Nhiều bạn đọc cho rằng với vị thế như vậy, khu vực này phải phát triển hơn nữa.
Hàng ngàn mặt bằng trong Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn chưa thể giải tỏa, bàn giao - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nhiều bạn đọc bất ngờ trước thông tin dù đã 30 năm trôi qua nhưng hạ tầng của khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) vẫn còn ngổn ngang. Hàng loạt con đường dẫn vào khu vực này vẫn còn lởm chởm.
30 năm, hạ tầng vẫn chưa thay đổi nhiều
Bạn đọc Anh Vũ bày tỏ: "ĐHQG TP.HCM là nơi tập trung nhiều nhân tài, trí tuệ tương lai của đất nước. 30 năm nhưng hạ tầng nơi đây vẫn chưa có nhiều thay đổi".
Bạn đọc Liêm chia sẻ, ĐHQG có nhiều cơ sở hạ tầng xuống cấp. Nhà dân lụp xụp xen kẽ với các trường đại học, ký túc xá. Việc giải phóng và bàn giao mặt bằng, cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ ĐHQG vì cơ sở giáo dục không thể tự làm được.
Sau gần 20 năm trở lại ĐHQG, bạn đọc Nghị nhận thấy một số khu vực vốn quen thuộc với thế hệ sinh viên ngày xưa đã được giải tỏa hết. Tuy nhiên, bạn đọc này cho rằng chất lượng hạ tầng của làng đại học không thay đổi nhiều và vẫn còn nhiều nhà tạm, lụp xụp.
Đại học Quốc gia TP.HCM: 30 năm vẫn chưa xong hạ tầngĐỌC NGAY
"Con đường đất cạnh Đại học An ninh nhân dân dẫn đến Đại học Công nghệ thông tin (nằm song song với xa lộ Hà Nội) ngày xưa ô tô có thể chạy. Đến nay, cả con đường bị nhà cửa lấn chiếm, không thể đi lại được.
Những con đường xung quanh Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên vẫn như cũ, chưa cải thiện.
Còn Đại học Kinh tế - Luật lại nằm sau các bãi container, xưởng máy móc nông cụ, nếu không để ý thì người lạ đến cũng không biết đường đi vào", bạn đọc Nghị nói.
Dù còn nhiều điểm về mặt hạ tầng chưa được hoàn thiện nhưng theo bạn đọc Nghị, tình hình an ninh trật tự tại ĐHQG đã thay đổi đáng kể, an toàn hơn trước.
Bên cạnh đó, những ngôi trường có danh tiếng lâu đời được xây dựng và thiết kế khang trang, hiện đại hơn nhiều.
Đường nối Đại học Nông lâm TP.HCM vào khu đô thị ĐHQG TP.HCM xuống cấp, ổ gà chằng chịt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sớm giải quyết khó khăn trước mắt
Bạn đọc Trần Thanh Nam chia sẻ vấn đề căn cơ cho câu chuyện quy hoạch ĐHQG là do vướng thủ tục pháp lý. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt giải phóng mặt bằng. Ngoài những hộ dân ở đây lâu năm thì những năm gần đây cũng xuất hiện tình trạng các hộ dân khác đến lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Đã từng có bốn năm theo học và gắn bó với làng đại học, chị Quỳnh Anh (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) kỳ vọng nơi đây sẽ phát triển hơn nữa mới tương xứng với vị thế.
Theo chị Quỳnh Anh, nếu chúng ta chưa thể làm biện pháp căn cơ thì cần giải quyết một vài vấn đề còn tồn đọng trước mắt.
Đầu tiên là vấn đề xả rác bừa bãi ở ĐHQG. Chỉ cần đi vài chục mét là lại có một bãi rác từ nhỏ đến lớn mọc lên. Điều này gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và khiến hình ảnh khu đô thị xấu đi trong mắt mọi người.
Một số tuyến đường chính mà sinh viên, người dân, xe buýt đi lại phải sớm được duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông.
Chị Quỳnh Anh cho biết: "Câu chuyện quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng ĐHQG có thể sẽ còn kéo dài. Nhưng chỉ cần chính quyền quyết liệt, người dân ý thức hơn và có chính sách rõ ràng thì vấn đề sẽ được gỡ rối dần dần".
Chậm làm hạ tầng ĐHQG TP.HCM gây khó khăn trong việc giảng dạy
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết việc chậm đầu tư nhiều công trình gây khó khăn trong tổ chức giảng dạy, học tập. Có những dự án liên quan đến giảng đường của cơ sở đào tạo đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí xây dựng gần xong nhưng phải dừng lại chờ điều chỉnh quy hoạch.
Ông Quân chia sẻ ĐHQG TP.HCM sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu được ủy quyền phê duyệt về quy hoạch chi tiết xây dựng và đảm bảo sẽ làm đúng theo quy định.
Đồng thời sẽ tập trung nguồn lực khẩn trương điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn để sớm xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình xây dựng nhằm phục vụ tốt cho việc giảng dạy, học tập.
Trong tổng thể khu đô thị ĐHQG TP.HCM, gần 20 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được ĐHQG TP.HCM phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng theo quy định mới, thẩm quyền phê duyệt hiện là Bộ Xây dựng.
Do đó, TP.HCM cũng đang điều chỉnh các quy hoạch để trình Bộ Xây dựng phê duyệt sao cho phù hợp quy định mới.
Đăng thảo luận