Sau khi kết luận điều tra vụ cửa hàng xe máy Tân Tiến bán xe gian được “phù phép” thành xe mới, Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, xác minh các sai phạm liên quan công tác đăng ký, cấp biển số, thuế…

Vụ cửa hàng xe máy Tân Tiến bán gian: Tiếp tục điều tra công tác cấp biển số  第1张

Bùi Văn Tân - chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến - được xác định chiếm đoạt 9,3 tỉ đồng của 258 bị hại thông qua việc "phù phép" xe gian thành xe mới - Ảnh: T.L.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với Bùi Văn Tân (41 tuổi, chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Giúp sức cho bị can Bùi Văn Tân có 9 bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội "mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức".

  • Thông xe đường 3 Tháng 2 nối dài ở Kiên Giang, mở rộng không gian ven biển

  • 4.000 xe gian bị phù phép giấy giả bán ra thị trường: Lỡ mua rồi đòi quyền lợi ra sao?

  • Cửa hàng xe ở TP.HCM mua khống 10.000 phiếu xuất xưởng, bán gần 4.000 xe gian ra thị trường

Liên quan vụ án, đối với hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; sai phạm liên quan công tác đăng ký, cấp biển số cho các xe bị mài đục số khung, số máy; sai phạm liên quan đến lĩnh vực thuế của những công ty xuất khẩu xe máy và trách nhiệm hình sự (nếu có) của những người liên quan đến hoạt động của hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Đối với những xe máy nghi vấn bị đục số khung, số máy mà Tân và đồng phạm đã bán cho khách nhưng chưa thu hồi, chưa giám định hoặc chưa làm việc được với chủ sở hữu, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ.

Trong vụ án này, bị can Bùi Văn Tân được xác định là chủ mưu. Để thực hiện hành vi phạm tội, Tân thỏa thuận mua xe không rõ nguồn gốc, không giấy tờ của Lê Văn Tới (43 tuổi, ngụ Bình Dương).

Cùng đó, bị can Tân thu mua phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe máy từ Nguyễn Đình Sùng (chủ hệ thống cửa hàng ô tô, xe máy Hà Thành ở quận Bình Tân); Nguyễn Thị Kiều Oanh (quản lý của các đại lý Honda Hồng Hạnh 4, 5, 6 tại Bình Dương và TP.HCM) và Nguyễn Sỹ Toàn (chủ Công ty TNHH TM xuất nhập khẩu Sông Ngân).

Tiếp đó, Tân thuê Nguyễn Hữu Oai và Nguyễn Hữu Như (chủ cửa hàng xe máy Đại Phát ở huyện Bình Chánh) mài đục số khung, số máy những chiếc xe trên theo thông tin trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Sau đó, Tân chỉ đạo nhân viên (các bị can Thúy, Thắng, Thông, Sậu, Phúc) đưa xe đã mài đục về hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến, bán cho người mua dưới dạng "xe lướt, bao rút hồ sơ, bao giấy tờ…" nhằm chiếm đoạt tiền của khách mua xe.

Quá trình điều tra xác định các bị can đã lừa đảo bằng phương cách như trên để chiếm đoạt 9,3 tỉ đồng của 258 bị hại và đã mua bán khoảng 1.500 phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Kết quả khám xét tại các cửa hàng xe máy của bị can Bùi Văn Tân, chỗ ở của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng 286 xe máy, qua giám định có 136/286 xe bị mài đục thay đổi số khung, số máy. Đối với số xe bị mài đục thay đổi số khung, số máy, bị can Tân khai đã thuê Oai, Như mài đục để chờ bán cho khách hàng.

Ngoài ra, trong những xe hệ thống cửa hàng Tân Tiến đã bán cho khách hàng có 2 xe là tài sản bị mất trộm trong các vụ án khác.

Từ vụ cửa hàng xe máy Tân Tiến, Công an TP.HCM tham mưu kiến nghị nhiều nội dung

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tham mưu Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính có quy định về quản lý hoặc thu hồi, tiêu hủy phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của các xe máy đã xuất khẩu;

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính chia sẻ với Bộ Công an về dữ liệu cấp phát, quản lý, sử dụng phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, dữ liệu xe xuất nhập khẩu… Những kiến nghị này nhằm tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.