Ngày 10-10, hãng xe điện Tesla tổ chức sự kiện 'We, Robot', thể hiện rõ tầm nhìn về 'kỷ nguyên sung túc' cho nhân loại của ông chủ Elon Musk.

Xe điện hoàn toàn tự động khởi đầu 'kỷ nguyên sung túc' của Elon Musk?  第1张

Xe Cybercab được ông Musk giới thiệu trong sự kiện tối 10-10 - Ảnh: REUTERS

Điểm nhấn của sự kiện chính là màn ra mắt hai mẫu ô tô điện hoàn toàn tự động mang tên Cybercab và Robovan, cùng sự xuất hiện của những chú robot Optimus thế hệ mới. Cả ba đều là trụ cột cho "kỷ nguyên sung túc" của tỉ phú Musk.

Kỷ nguyên sung túc của Elon Musk

Thần thoại Hy Lạp nổi tiếng với điển tích "chiếc sừng sung túc". Từ chiếc sừng này, bất kỳ điều gì mà chủ nhân nó mong muốn đều có thể tuôn ra như suối, dẫu có là thực phẩm, thức uống hay của cải. Người sở hữu "chiếc sừng sung túc" có thể sống dư dả cả đời mà không cần làm gì cả.

Giống người Hy Lạp cổ, tỉ phú Elon Musk cũng từng chia sẻ tầm nhìn cá nhân về "kỷ nguyên sung túc" của nhân loại. Trong bức tranh được "vẽ" từ những bài phát biểu của tỉ phú giàu nhất thế giới, đó là kỷ nguyên khi robot thay thế con người làm những công việc nguy hiểm hoặc buồn tẻ mà không ai muốn làm. Năng lượng tái tạo, điện khí hóa và khám phá không gian sẽ loại bỏ mọi nỗi lo về khan hiếm nguyên liệu.

Đóng vai trò trung tâm, xương sống của kỷ nguyên đó chính là robot tự động hóa, đang được ông Musk và Tesla cụ thể hóa thông qua Cybercab, Robovan và Optimus. Việc hoàn thành và đưa ra thị trường dòng xe tự động hoàn toàn chính là lời khẳng định của Tesla về tính tương lai, sự tiên phong công nghệ mà những sản phẩm công ty này theo đuổi.

Trong mắt ông Musk, xe tự động hứa hẹn đến mức có thể nâng giá trị thị trường của Tesla lên ít nhất 30.000 tỉ USD, gấp 40 lần định giá hiện tại.

Tại sự kiện ngày 10-10, ông Musk khẳng định xe tự động hoàn toàn sẽ là tương lai của ngành vận tải. Những chiếc ô tô truyền thống ngày nay rồi sẽ rơi vào quên lãng như cách thang máy từng một thời phải có nhân viên đứng bên trong để vận hành.

Liều thuốc giải cho nỗi đau giao thông

  • Xe Tesla và Elon Musk và 'hội con cưng' có hệ thống tự lái đặc biệt?

  • Elon Musk sợ hãng xe Trung Quốc sẽ ‘hủy diệt’ mọi đối thủ trên toàn cầu

Ông chủ Tesla chia sẻ: "Khi chúng ta nói về giao thông ngày nay, có rất nhiều nỗi đau mà chúng ta xem nhẹ hoặc đã bình thường hóa, như việc phải lái xe quanh Los Angeles suốt ba tiếng kẹt xe".

Tỉ phú gốc Nam Phi khẳng định hai chiếc xe không vô lăng, không bàn đạp vừa được Tesla ra mắt chính là "liều thuốc giải" cho nỗi đau đó. "Bạn có thể nằm ngủ và tỉnh dậy tại điểm đến", ông Musk khẳng định.

Với giá mỗi chiếc chưa đầy 30.000 USD (xấp xỉ 750 triệu đồng), vị tỉ phú tự tin Cybercab sẽ là giải pháp cho mọi người. Ai cũng có thể mua 20 chiếc và tự mình vận hành một hệ thống taxi như "người chăn cừu". Người dùng cá nhân thì có thể kiếm thêm tiền từ xe bằng cách cho chúng làm taxi khi họ không cần di chuyển.

"Xe chở bạn trung bình mỗi tuần chạy 10 tiếng. Nếu có thể chạy tự động thì chúng có thể được sử dụng với tần suất gấp 5, thậm chí gấp 10 lần như thế" - ông nói.

Ngay sau phần giới thiệu hai dòng xe mới, Tesla mang đến cho khách tham dự trải nghiệm thú vị khi cho một đội quân robot Optimus xuất hiện và tương tác trực tiếp cùng mọi người. Những chú robot tự động nhảy nhót, phục vụ nước, trao quà và có nhiều tương tác khác với khách - điều hiếm thấy tại các sự kiện về robot.

Dù không tốn giấy mực bằng màn ra mắt xe, song robot Optimus lại thể hiện rõ ràng tầm nhìn của ông Musk về "kỷ nguyên sung túc". Ông tự hào chia sẻ: "Chúng sẽ có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Chúng có thể là giáo viên, có thể trông con hộ bạn, thay bạn dắt chó đi dạo, mua nhu yếu phẩm hoặc chỉ đơn giản là bầu bạn. Tôi tin rằng đây sẽ là sản phẩm lớn nhất ở bất kỳ lĩnh vực nào".

Ông chủ Tesla tiếp tục gây ngạc nhiên khi tuyên bố tất cả những sự tiện lợi ấy sẽ chỉ tốn 20.000 - 30.000 USD một khi công ty này làm chủ dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Mức giá này còn rẻ hơn một chiếc ô tô thông thường.

Mọi thứ còn trên giấy

Cả ba sản phẩm công nghệ trên đều thể hiện rõ tầm nhìn về "kỷ nguyên sung túc" của ông Musk. Đứng ở góc độ công nghệ, sự kiện ngày 10-10 là cơ hội "dạo bước công nghệ" thú vị cho khách tham dự. Tuy nhiên từ góc độ thương mại, nhiều nhà đầu tư không hài lòng với những gì Tesla làm được.

Chia sẻ về thời điểm Cybercab và Robovan có thể xuất xưởng, ông Musk chỉ khẳng định sẽ cố gắng hoàn thành mọi việc trước năm 2027 kèm lời nhấn mạnh: "Tôi thường lạc quan với các mốc thời gian". Ngoài ra ông không cung cấp thêm thông tin nào về lộ trình thương mại hóa dòng xe tiên tiến này.

Thực tế trong nhiều năm qua ông Musk đã không ít lần khẳng định Tesla chỉ cách thời điểm có thể triển khai dịch vụ taxi tự động "vài tháng". Do đó không ít nhà đầu tư đánh giá việc ông Musk đưa ra một thời điểm mà không giải thích gì thêm là không hề đáng tin cậy.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn tài chính BNP Paribas Exane gọi sự kiện ngày 10-10 là nỗi thất vọng lớn. Những gì được trình diễn chỉ là "phần mềm hiện hữu của Tesla đóng gói trong khung sườn mới của vài chiếc xe mẫu, di chuyển trong một phim trường đã được vệ sinh kỹ lưỡng và không có người đi bộ hay chó mèo".

Ngay sau khi sự kiện kết thúc, giá trị cổ phiếu của Tesla lao dốc đến xấp xỉ 8%. Điều này cho thấy việc triển khai xe tự lái, vốn đã được Tesla xem là trọng tâm thành công trong tương lai, vẫn còn xa vời. "Kỷ nguyên sung túc" trong mắt ông Musk dù rất hứa hẹn và chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể bộ mặt đời sống nhưng vẫn đang chỉ là ý tưởng.

Tesla liệu có thể đi tắt đón đầu?

Thực tế Tesla không phải công ty duy nhất theo đuổi, cũng không phải công ty dẫn đầu công nghệ taxi tự lái. Các công ty con Cruise của hãng xe General Motors và Zoox của Motor đã bắt đầu quá trình thử nghiệm taxi không người lái và dự kiến sẽ sớm triển khai dịch vụ thương mại.

Thậm chí Waymo, nhánh con của Alphabet (công ty mẹ của Google), đã vận hành dịch vụ taxi không tài xế trong nhiều năm. Gần đây công ty này còn báo cáo đã phục vụ hơn 100.000 chuyến xe trong vòng một tuần tại các thành phố San Francisco, Phoenix và Los Angeles.

Các thiết bị của Waymo được xếp loại "cấp độ 4" về mức độ tự động hóa, đồng nghĩa với việc có thể vận hành mà không cần con người trong hầu hết trường hợp. Trong khi đó phiên bản phần mềm "Tự lái hoàn toàn với sự giám sát" của Tesla lại chỉ đạt "cấp độ 2", tức người lái phải luôn cảnh giác và sẵn sàng điều khiển xe bất kỳ lúc nào.