Đà NẵngSinh viên được tương tác trực tiếp các mô hình 3D, nâng cao trải nghiệm học tập và an toàn trong việc thực hành các tình huống nguy hiểm.
Ngày 26/9, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã tổ chức lễ giới thiệu sản phẩm công nghệ mô phỏng và tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh, thu hút đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên tham gia.
Tính năng nổi bật của công nghệ này là hiển thị chi tiết từng thành phần của xe, giúp học viên dễ dàng hiểu cấu trúc và cơ chế vận hành phức tạp của xe; giả lập các tình huống thực tế trong quá trình vận hành, sửa chữa ôtô; mô phỏng các lỗi và quy trình khắc phục một cách trực quan.
Công nghệ mô phỏng đào tạo kỹ thuật ôtô được Đại học Duy Tân ứng dụng vào giảng dạy. Ảnh: Nguyễn Đông
Ngoài ra, công nghệ 3D tiên tiến mang lại độ chi tiết cao về từng chi tiết máy cũng như cấu trúc và quy trình hoạt động gần giống như trên thiết bị thật; mô hình hóa thời gian thực, hành động của học viên được phản hồi ngay lập tức. Công nghệ tương tác đa chiều cho phép người học có thể lật, xoay các chi tiết để xem từ nhiều góc độ khác nhau, tăng khả năng tương tác và ghi nhớ.
Sản phẩm tích hợp dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập, đề xuất điều chỉnh nội dung dựa trên khả năng học của từng học viên. Big data cũng giúp phân tích và tối ưu hóa chương trình đào tạo dựa trên dữ liệu thực tế.
Ưu điểm của công nghệ này là có thể thực hành một lúc nhiều học viên, mỗi học viên có thể thực hành nhiều lần mà không lo vấn đề số lượng thiết bị, giúp tiết kiệm chi phí cho cơ sở đào tạo vì không cần trang bị nhiều thiết bị ôtô thật cho học viên, tăng khả năng học một lúc nhiều người. Học viên có thể học nhiều lần giúp nâng cao chất lượng học tập.
Bên cạnh đó, công nghệ mô phỏng và tương tác còn giúp học viên thực hành các tình huống nguy hiểm như sự cố động cơ, lỗi hệ thống phanh... trong môi trường mô phỏng an toàn, không rủi ro.
Công nghệ này do Trung tâm Mô hình hóa và Mô Phỏng, thuộc trường Khoa học Máy tính (Đại học Duy Tân) nghiên cứu và ứng dụng.
Hiện Đại học Duy Tân có khoảng 1.000 sinh viên đang theo học ngành ô tô, thời gian học 5 năm.
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật ô tô và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong giảng dạy là một yêu cầu cấp bách, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ tương lai đất nước.
"Hệ thống tương tác toàn diện đánh dấu bước đột phá trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy, tạo sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên nắm bắt và làm chủ công nghệ ôtô thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả", ông Tú nói.
Đăng thảo luận