Đau lưng 2 năm không đi khám, người đàn ông bị khối u khổng lồ tấn công tim
(Dân trí) - Người đàn ông đau vùng hông lưng từ 2 năm trước nhưng không chịu đi khám. Hậu quả là sau đó, ông phát hiện mang căn bệnh ung thư đã di căn, với khối u khổng lồ sắp tấn công đến tim.
Ông P.D.A. (62 tuổi, quê Lâm Đồng) nhập Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) trong tình trạng đau tức vùng hông phải, tiểu nhiều máu cục. Tại đây, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối bướu thận phải kích thước lên đến 10cm x 10cm x 8cm, to bằng một nắm tay người lớn.
Kết quả sinh thiết cho thấy, ông A. bị ung thư biểu mô tế bào thận . Khối bướu đã xâm lấn đến tĩnh mạch thận phải, màng bụng và bể thận, làm cho thận ứ nước. Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan lên vùng gan và nguy cơ tấn công đến tim làm bệnh nhân mất mạng.
Kể với bác sĩ, bệnh nhân cho biết đã có dấu hiệu đau vùng hông lưng phải từ 2 năm trước, nhưng lại nghĩ do tuổi già mà không đi kiểm tra. 6 tháng trước ngày nhập viện, ông A. thường đau tức và sờ thấy khối cứng ở hông lưng phải. Càng ngày, bệnh nhân càng chán ăn, cân nặng giảm và tiểu ra máu.
Bác sĩ chia sẻ với gia đình người bệnh về tình hình sức khỏe của ông A. trước mổ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Các bác sĩ nhận định, đối với ung thư thận giai đoạn muộn, khả năng điều trị khỏi sau 5 năm rất thấp (dưới 10%). Ông A. được điều trị nâng đỡ tổng trạng và liệu pháp nhắm trúng đích, nhưng tình trạng tiểu máu vẫn tái diễn.
Lúc này, Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn liên chuyên khoa, liên viện, gồm Ngoại Niệu, Tim - Mạch máu, Gan - Mật - Tụy, Gây mê hồi sức và Viện tim TP.HCM. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ cắt thận cùng khối bướu khủng cho bệnh nhân, dù gặp rất nhiều thách thức. Bởi nếu không phẫu thuật, người bệnh sẽ rất đau đớn, tiểu máu đeo đẳng và tiên lượng sống chỉ còn tính từng ngày, do chồi bướu lan nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân chia sẻ, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca cắt thận do ung thư, đồng thời mở tĩnh mạch chủ và tâm nhĩ phải của tim lấy chồi bướu, với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài gần 6 giờ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Theo bác sĩ Châu, khi mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu sẽ tiềm ẩn nguy cơ giảm máu về tim, gây suy tuần hoàn. Ngoài ra, nếu việc chảy máu lượng lớn ở đoạn tĩnh mạch chủ gần tim xảy ra, cũng dẫn đến bệnh nhân tử vong. Theo y văn, các trường hợp như ông A. có tỷ lệ tử vong trên bàn mổ lên đến hơn 15%.
"Nếu không được đảm bảo cung lượng máu đến tim, người bệnh sẽ suy tuần hoàn, sốc mất máu và tử vong nhanh chóng" - bác sĩ Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu cho biết thêm.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 6 giờ đồng hồ, 3 nhóm bác sĩ thao tác cùng lúc ở vùng bụng và tim. Với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, các bác sĩ Niệu có thể cắt thận phải cùng bướu, song song với việc lấy chồi bướu của bác sĩ Mạch máu. Quá trình phẫu thuật, cơ thể bệnh nhân như có 2 trái tim cùng làm việc.
Hậu phẫu, ông A. qua cơn nguy kịch, không còn tình trạng đau đớn và tiểu máu. Ca phẫu thuật thành công đã giúp ông A. như được "tái sinh". Trong buổi tái khám gần nhất, người bệnh đã có thể vận động thoải mái, tham gia một số việc nhẹ tại nhà. Ông cũng giữ được tinh thần lạc quan trong điều trị.
Bệnh nhân tái khám 3 tuần sau mổ, với sức khỏe hồi phục tốt (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu, ung thư thận nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị triệt để sẽ hồi phục rất khả quan, tỷ lệ sống sau 5 năm hơn 80%. Khi khối bướu chưa xâm lấn, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt thận bán phần, bảo tồn chức năng phần thận lành còn lại. Nhưng khi khối u đã xâm lấn phức tạp, việc điều trị cũng khó khăn hơn.
Ung thư thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do đó bác sĩ khuyến cáo mọi người nên siêu âm bụng tầm soát bệnh định kỳ mỗi năm một lần.
Khi có những triệu chứng bất thường, như đau tức vùng hông lưng, sờ thấy khối gồ lên vùng hông lưng, tiểu máu… người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Đăng thảo luận