Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất năm nay, trong đó mức tối đa là 30%, tương ứng với 4.000 tỷ đồng.
Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2024 đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, gồm giảm 15% hoặc 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024, không gồm nợ của các năm trước và tiền chậm nộp.
Đối tượng áp dụng chính sách này là tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm. Người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất cũng thuộc đối tượng ưu đãi.
Để được giảm, người thuê đất sẽ làm đề nghị theo mẫu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin, đảm bảo đúng đối tượng.
Bộ Tài chính tính toán, nếu chính sách được thông qua, số tiền thuê đất thu về ngân sách có thể giảm khoảng 2.000-4.000 tỷ đồng. Tương ứng, với mức giảm dự kiến là 15% hoặc 30%.
Nhưng nhà chức trách cho rằng số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế đất sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Từ đó, họ có thể phục hồi, phát triển, ngân sách cũng có thêm khoản thu từ thuế, bù đắp cho số giảm từ tiền thuê đất.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cùng đó, bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc vừa qua gây tổn thất lớn cho địa phương lên tới hơn 60.000 tỷ đồng, khiến GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Để khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trước đó cũng đề xuất giảm tiền thuê đất, mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trước đó, chính sách giảm tiền thuê đất cũng áp dụng các năm từ 2020-2023. Tính trung bình mỗi năm, số tiền thuê, thuê mặt nước được giảm khoảng 2.890 tỷ đồng.
Phương Dung
Đăng thảo luận