Ngày thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh nghề y, tôn vinh các thầy thuốc, mà còn là ngày để nhắc nhở mọi người, hãy thực tâm sẻ chia với những khó khăn của các thầy thuốc.

Dù đâu đó vẫn còn “điều nọ, tiếng kia” về một vài trường hợp cá biệt, nhưng trên hết, xã hội vẫn luôn dành sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với đội ngũ thầy thuốc. Họ là những người đang ngày đêm mang hết trí lực và lòng yêu thương, sự tận tâm để chăm sóc, bảo vệ, giành giật sự sống cho con người.

Tròn 69 năm trước, ngày 27 tháng 2 năm 1955, trong thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn 3 điều quan trọng là phải: “Đoàn kết, thương yêu người bệnh và xây dựng nền y học của ta”.

Đoàn kết để có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Có sức mạnh, sẽ xây dựng được nền y học của ta là nền y học phát triển dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.

Nhưng theo Bác, điều quan trọng nhất đối với người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh. Vì “người bệnh đã phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Vì vậy, “Lương y phải như từ mẫu, phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Để thầy thuốc luôn là người hạnh phúc nhất thế gian  第1张Điều trị nang ống mật chủ bằng nội soi một lỗ là kỹ thuật đặc biệt khó. Ảnh: Vietnamplus

Không chỉ những thầy thuốc hàng đầu, những trí thức Việt Nam đi du học ở phương Tây, vì mến mộ, kính phục Bác Hồ, sẵn sàng bỏ qua tất cả để về với Cách mạng, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền y học nước nhà như Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Vũ Đình Tụng…

Gần 7 thập kỷ qua, đội ngũ thầy thuốc cách mạng đã luôn ghi tạc trong lòng lời căn dặn của Bác, xem đó là nguyên tắc, là phương châm hành động, cống hiến của mình cho sự nghiệp y tế, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện, diện bao phủ y tế ở nước ta ngày càng được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao, người dân được chăm sóc sức khỏe, được điều trị bệnh tốt hơn. Tuổi thọ trung bình cuả người Việt Nam năm 2023 đã tăng lên hơn 73,7 tuổi. Đó là gì, nếu không phải là kết quả từ sự cống hiến lặng thầm, bền bỉ của đội ngũ thầy thuốc khắp mọi miền tổ quốc.

Quá trình xây dựng “nền y học của ta” như lời Bác Hồ hằng mong muốn, nhiều thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú… Đó thực sự là những điển hình về đạo đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống và làm việc hết mình vì người bệnh, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 

Nhiều người đã đạt thành tựu vẻ vang khi chinh phục những kỹ thuật mới mẻ, hiện đại trong việc điều trị bệnh. Nhiều ca phẫu thuật phức tạp thực hiện tại các bệnh viện trong nước, được quốc tế đánh giá cao. 

Thành tựu có thể kể như ca ghép đa tạng tim - thận cùng lúc của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; ca ghép tạng xuyên Việt do Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phối hợp thực hiện; Ca phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ cho bệnh nhân Australia tại Bệnh viện Xanh Pôn (Việt Nam là một trong hai nước trên thế giới triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm); Kỹ thuật thay van trong lần đầu tiên tại Việt Nam do Viện Tim mạch Quốc gia thực hiện…

Hay mới đây là ca “thông tim qua tử cùng cho một thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng còn trong bụng mẹ” do các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp thực hiện thành công. Đây thực sự là một bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực. Trên thế giới, chỉ một số nơi như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công kỹ thuật này. Các nước trong khu vực, đạt nhiều thành tựu y khoa như Singapore, Thái Lan... đều chưa triển khai thông tim bào thai.

Khó có thể kể hết những thành tựu mà đội ngũ những thầy thuốc tinh hoa đã đóng góp, làm rạng danh nền y học nước nhà.

Cũng khó có thể kể hết hàng vạn tấm gương thầy thuốc đang công tác ở cơ sở đêm ngày vật lộn với khó khăn, sẵn sàng đón nhận rủi ro, thiệt thòi về mình, tận tâm cống hiến trí tuệ, tâm sức cho người bệnh. Thậm chí, có người đã hy sinh trong cuộc chiến chống dịch, có người bị tai nạn, bị tử vong trên đường về với bà con vùng sâu vùng xa… để lại bao dự định dở dang, bao khát khao hy vọng của tuổi thanh xuân.

Với họ, đã làm nghề chữa bệnh cứu người, là lấy sức khỏe, tính mạng con người làm trọng. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, là lý tưởng sống của những người thầy thuốc.

Cho nên, dù đâu đó trong đội ngũ y, bác sĩ vẫn còn một số cá nhân thiếu rèn luyện, yếu bản lĩnh, bị lợi ích vật chất tầm thường quật ngã, vi phạm y đức, nhất là trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng, đất nước phải đối mặt với những thách thức cam go tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng không vì thế mà có thể làm phai mờ những thành tựu, sự nỗ lực cống hiến, hy sinh to lớn của đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Vì vậy, ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 không chỉ là ngày tôn vinh nghề y, tôn vinh các thầy thuốc, mà còn là ngày để nhắc nhở mọi người, hãy thực tâm sẻ chia với những khó khăn của các thầy thuốc. Hãy dành cho đội ngũ thầy thuốc những cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương, động viên kịp thời những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì người bệnh. 

Đồng thời, có cơ chế bảo vệ những thầy thuốc chân chính, dành một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp họ yên tâm với thu nhập, cuộc sống để họ thỏa sức theo đuổi đam mê, hoàn thành sứ mệnh chữa bệnh cứu người.

Chính sách pháp luật hãy là bệ đỡ, là người dẫn đường giúp thầy thuốc đi đúng, làm đúng “nẻo sáng đường ngay”, chứ không phải làm cho thầy thuốc, nhất là những người làm quản lý sợ sai mà phải mang tiếng không dấn thân. 

Cũng đừng để thầy thuốc hằng ngày phải đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự. Ước mơ bình thường nhất của họ là được làm chuyên môn, được cống hiến cho y học.

Do đó, sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của nhân dân và toàn xã hội sẽ là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các thầy thuốc, những "chiến sĩ áo trắng" vững lòng phấn đấu rèn luyện thành những người “sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật”, để họ luôn là những người hạnh phúc nhất thế gian khi làm tròn sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho mọi người. 

Vân Thiêng

Để thầy thuốc luôn là người hạnh phúc nhất thế gian  第2张 Thầy thuốc Việt Nam thời hậu Covid-19Sau đại dịch Covid-19, những người thầy thuốc chúng tôi ở các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đều trưởng thành, văn minh thêm một cấp vì tính mạng và sức khỏe con người.