Sự thật là không ai trong chúng ta biết được mình sẽ sống đến lúc nào cho nên ai cũng mong muốn có được cuộc sống tràn ngập tình yêu thương bằng cách càng cho đi nhiều thì càng nhận lại nhiều.
Cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình, không ai là hoàn hảo cả cho nên rất cần giữ được sự bình yên trong tâm hồn và chọn thái độ sống là người hữu ích cho gia đình và xã hội.
Trước đây, tôi đã chiêm nghiệm mà viết viết bài “Chọn thái độ sống”, trong đó đề cập đến chuyện “im lặng là vàng”. Đó là câu châm ngôn phương Tây mang nhiều ý nghĩa. Tiếc là ngày nay, nhiều người trong giới trí thức chúng ta coi đây như một triết lý sống.
Mặt khác, cũng có một số người nghĩ, im lặng sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bản thân trong mọi lúc, mọi nơi. Từ chỗ ít nói, ngại nói, không dám nói những điều mình đang trăn trở, nghĩ suy, người ta trở nên dửng dưng trước mọi biến động của xã hội, thậm chí coi “im lặng là vàng”. Ngay cả khi cộng đồng gặp nguy nan, họ vẫn tôn thờ chủ nghĩa “makeno”, vẫn “mũ ni, che tai” như một kẻ ngoài cuộc.
Ngược lại, có luồng ý kiến lại cho rằng, ngay trong những trí thức Việt Nam có không ít người lại chỉ thích chỉ trích, chê bai mà không bao giờ nghĩ xem nếu mình được đặt vào vị trí quản lý mình có làm được không, mình có bị quyền lực và tiền bạc làm cho tha hoá không?
Đấy là chưa kể, những người khi ngồi ở ghế ấy thì khác, lúc về vườn lại quay ra chỉ trích chính những gì mà mình từng làm.
Vấn đề xã hội và con người thật rộng lớn và phức tạp. Cải tạo môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người, vai trò kiến tạo của các nhà lãnh đạo và nhà nước là sống còn. Ảnh: Quang Phong
Người ta có thể “ba không” (không nghĩ, không nói, không viết) để an hưởng thú điền viên "lão giả an chi". Kiểu ứng xử của các cụ trước đây “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn” cũng là một cách để tỏ thái độ của người thức thời.
Những trí thức đều ở trong xã hội, là một phần của xã hội. Quan hệ của trí thức với những thành viên khác của xã hội là quan hệ hai chiều, học lẫn nhau và dạy lẫn nhau, dân tộc đoàn kết, mọi tầng lớp, mọi con người chung sức, chung lòng phát triển và bảo vệ đất nước, mỗi tầng lớp có chức năng riêng, mỗi con người có đóng góp riêng.
Ở nước ta, có ba tầng lớp đan xen, thâm nhập vào nhau, tạo thành động lực quan trọng nhất của công cuộc phát triển, đó là trí thức, doanh nhân, giới tuổi trẻ. Trong trí thức có nhiều doanh nhân và người trẻ, trong doanh nhân có nhiều người trẻ và trí thức, trong giới trẻ có nhiều trí thức và doanh nhân.
Một bài viết đăng trên báo hoặc/và đưa lên mạng Internet, một bản kiến nghị mà địa chỉ gửi là những người cầm quyền đồng thời công bố trong nước và trên thế giới bằng cách này, cách khác, đều là vừa gửi đến giới cầm quyền, vừa gửi đến toàn dân, và trong nhiều trường hợp đến toàn thế giới.
Có những tác giả quyết định rằng, địa chỉ gửi chủ yếu của mình là các nhà lãnh đạo. Có những tác giả khác, có lẽ đông hơn, quyết định rằng địa chỉ gửi chủ yếu của mình là dân chúng, là đồng bào mình, là toàn xã hội.
Không nhiều thì ít, không bây giờ thì rồi đây, thậm chí sau này, tâm sức của từng người và của tất cả những người nói và viết đều không hoàn toàn uổng phí, có hiệu quả hiển hiện, dễ thấy hơn, và có hiệu quả ẩn khuất, khó thấy hơn, nếu chưa có hiệu quả trong giới cầm quyền thì có hiệu quả trong xã hội. Đương nhiên, điều quyết định là nói hoặc viết điều gì, như thế nào, với tấm lòng và tài năng ra sao.
Nhiều tác giả cho rằng chính hiệu quả trong xã hội, đến được dẫu chỉ một chút ít với nhân dân, mới là quan trọng nhất.
“Nồng nàn tâm huyết thưa thành quả
Gieo trăm gặt một thế cũng là
Được bao nhiêu cũng là được cả
Một thời khô héo một thời hoa.” (Thơ Việt Phương)
Đôi khi, thực tế cuộc sống khá phũ phàng khiến người ta dễ đau lòng, nản chí, nhất là những lúc công việc không thuận lợi, các mối quan hệ cá nhân với mọi người xung quanh có lúc không như ý, môi trường sống thay đổi,… khiến ta bị ảnh hưởng tâm lý, thái độ lựa chọn có khi cũng dao động theo.
Vấn đề xã hội và con người thật rộng lớn và phức tạp. Cải tạo môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người, dĩ nhiên vai trò kiến tạo của các nhà lãnh đạo và nhà nước là sống còn.
Khi tổ quốc lâm nguy, “thất phu” hữu trách có nên không? Liệu im lặng cúi đầu có được yên thân không? Ngày xưa tới giờ, mỗi khi đất nước gặp nguy nan, nội công – ngoại kích, đều xuất hiện các nhân tài ra giúp nước.
Dĩ nhiên, điều này không khuyến khích chúng ta hành động mù quáng hay bất chấp hiểm nguy đến bản thân vì ta còn phải thương ta nữa chứ! Đường đời thật khó! Ai cũng có một cuộc đời để yêu thương và chọn thái độ sống cho riêng mình.
Chắc chắn một điều là khi ai cũng yên lặng cúi đầu, kẻ ác và tội ác sẽ lên tiếng và át tiếng. Chúng ta thử hình dung, ai cũng vô cảm, không màng thế sự xung quanh thì xã hội sẽ ra sao?
Tô Văn Trường
Cán bộ sợ trách nhiệm vì đâu?Nếu thấu hiểu sự bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đặt nó trong bối cảnh hàng loạt quan chức phải vào tù vì tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ lý giải được vì sao cán bộ sợ trách nhiệm.
Đăng thảo luận