Đề xuất không công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận của Bộ Giáo dục giúp giảm áp lực, song cũng có thể dẫn đến bưng bít thông tin, theo nhiều nhà giáo và đại biểu Quốc hội.
Một tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Trả lời VnExpress, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, giải thích việc này nhằm bảo vệ giáo viên trong hoạt động nghề nghiệp. Theo ông, nhà giáo ngoài truyền đạt chuyên môn còn phải làm gương cho học sinh. Trong khi đó, mạng xã hội đưa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, chưa biết có sai phạm hay không.
"Điều này tạo ra áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo, đặc biệt với học sinh và phụ huynh", ông Đức nói.
Biết tin này, cô Thu Trang, giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học ở Hà Nội, thấy ấm lòng. Cô thường lo lắng mỗi lần thấy thông tin liên quan tới giáo viên trên mạng xã hội, nhất là những bài đăng kèm ảnh chụp tin nhắn.
"Đôi khi giáo viên không có ý như vậy nhưng một, hai câu chữ khiến chúng tôi bị hiểu nhầm", cô nói. "Trong nhiều sự việc, phụ huynh cũng không trao đổi lại để chúng tôi có cơ hội giải thích, mà đăng hết lên mạng, khiến sự việc bị đẩy đi xa".
Thầy Khánh, phó hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, kể một giáo viên của trường từng bị học sinh, phụ huynh đưa lên mạng vì hành vi "không phù hợp". Thầy ám ảnh vì phải liên tục trả lời cơ quan truyền thông và báo cáo cấp trên, trong khi chưa có kết luận chính thức.
"Không công bố sai phạm thì đỡ áp lực cho giáo viên, ban giám hiệu như tôi cũng nhẹ đầu hơn rất nhiều", thầy cho biết.
PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, nhìn nhận đề xuất của Bộ là phù hợp. Trong thời đại kỹ thuật số, những thông tin được đưa lên mạng có thể truy cập vĩnh viễn, gồm có cả những thứ mà cá nhân muốn giữ bí mật hoặc muốn quên đi.
"Đề xuất này thể hiện một tiếp cận nhân văn rằng ai cũng có quyền phạm sai lầm mà không bị ám ảnh bởi quá khứ nếu họ đã sửa chữa và tiến bộ", ông Nam nói.
Ngoài ra, đề xuất này cần xét trong bối cảnh thực tế. Nhiều vụ việc có thể giải quyết nhưng phụ huynh ngại trao đổi trực tiếp, than thở trên mạng, rồi rất nhiều "thẩm phán mạng" chỉ dựa trên những thông tin một chiều, thêm mắm thêm muối. Việc này ảnh hưởng xấu đến ngành và hình ảnh người thầy.
Ông Vũ Minh Đức cho rằng dự kiến nói trên không đồng nghĩa hạn chế quyền giám sát của xã hội với giáo viên. Người dân vẫn có quyền báo sự việc với cơ quan chức năng, nhưng không công khai trước khi có kết luận chính thức.
Song, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, không đồng tình. Theo bà, giáo viên bình đẳng như các nhóm khác trong xã hội. Giáo dục nói chung cũng không phải bí mật nhà nước, nên không có căn cứ để không công khai sai phạm. Do đó, quy định này có thể trở thành công cụ để bưng bít thông tin tiêu cực.
"Nếu nói chờ kết quả cuối cùng, vậy khi cơ quan chức năng công bố kết quả là chưa đến mức xử lý kỷ luật, buộc thôi việc thì cũng không được thông tin sao?", bà đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đánh giá dự luật làm hạn chế quyền giám sát của người dân. Thực tế, nhiều sự việc bị phanh phui nhờ sự lên tiếng của học sinh và phụ huynh, nhất là vấn đề thu, chi trong trường học, các hành vi ứng xử không phù hợp của thầy với trò.
"Chúng ta không thể cấm mà chỉ nên quy định nếu ai đó đưa không đúng sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Hòa góp ý.
Cô Thu Trang cũng thấy rằng nhiều sự việc nếu không được nêu trên truyền thông, cơ quan chức năng không biết để xác minh. Hoặc đôi khi phụ huynh đã kiến nghị tới giáo viên, ban giám hiệu nhưng không được trả lời thỏa đáng, đành phải tìm cách khác.
"Tôi thấy việc không công khai sai phạm khi chưa có kết luận là lý tưởng, nhưng dễ thành con dao hai lưỡi", cô nhận định. "Tôi cũng là phụ huynh, nên không đồng tình với đề xuất này".
Đồng tình, thầy Khánh nói nếu hạn chế công khai sai phạm giáo viên thì nhà trường cũng mất đi một kênh để nắm bắt thông tin. Ông cho rằng đề xuất của Bộ chưa phù hợp, gây nhiều băn khoăn cho cả những người trong nghề.
Học sinh TP HCM nghe quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thanh Tùng
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, không công khai sai phạm không đồng nghĩa với việc thay đổi bản chất của dữ liệu hay sự kiện. Ông nói có thể nghiên cứu cho phép người dân giám sát hoạt động của nhà giáo thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình và chỉ được sử dụng để phản ánh sự việc với các cấp có thẩm quyền.
Hơn 10 năm trong nghề, cô Trang thấy rằng nếu làm tốt việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh từ phụ huynh và học sinh, nhà trường sẽ nhận được sự tin tưởng. Từ đó, việc "bóc phốt" giáo viên tự động giảm.
Đây cũng là cách mà trường học của thầy Khánh áp dụng. Trường đã thêm một kênh góp ý trực tuyến để học sinh, phụ huynh gửi phản ánh về giáo viên và các vấn đề liên quan việc học tới ban giám hiệu. Kênh này cho phép người gửi ẩn danh.
Trong những tiết chào cờ hay những dịp gặp gỡ phụ huynh, thầy bày tỏ mong muốn họ cởi mở, tích cực trao đổi với giáo viên vì có thể nhiều sự việc là hiểu lầm giữa các bên, đồng thời cam kết không bao che sai phạm.
"Tôi nghĩ khi người học cảm thấy những phản ánh của mình được giải quyết nhanh và triệt để, bước tìm tới mạng xã hội để phản ánh được hạn chế rất nhiều", thầy Khánh nói.
Thanh Hằng - Tâm Phương
*Tên giáo viên được thay đổi
Đăng thảo luận
2024-12-12 10:15:38 · 来自182.83.217.8回复
2024-12-12 10:25:46 · 来自182.85.41.138回复
2024-12-12 10:35:32 · 来自222.32.108.81回复
2024-12-12 10:45:43 · 来自106.92.23.191回复
2024-12-12 10:55:35 · 来自222.44.131.4回复
2024-12-12 11:06:01 · 来自171.13.53.92回复
2024-12-12 11:15:30 · 来自61.237.219.158回复
2024-12-12 11:25:41 · 来自210.34.103.30回复
2024-12-12 11:35:56 · 来自182.87.100.235回复
2024-12-12 11:45:43 · 来自139.202.81.234回复
2024-12-12 11:55:49 · 来自139.196.96.142回复
2024-12-12 12:05:42 · 来自121.77.40.160回复
2024-12-12 12:25:52 · 来自106.93.33.226回复
2024-12-12 12:35:54 · 来自121.76.97.29回复