Ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có hai cuộc họp rất quan trọng đối với các lãnh đạo tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu Việt Nam và giới ngân hàng. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là trao niềm tin, kỳ vọng sự dấn thân, cống hiến của giới tư nhân đối với phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển năm 2025-2030 và tầm nhìn 2050.
"Hội nghị diên hồng về kinh tế" thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước đặt lên vai doanh nghiệp tư nhân
Tại "Hội nghị diên hồng về kinh tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Chính phủ sẽ đi đầu trong vai trò kiến tạo, phát triển, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng trao đổi với các tỷ phú Việt Nam, chủ tịch doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam tham dự hội nghị (Ảnh:Chinhphu.vn).
Chính phủ rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng giới tư nhân Việt Nam với tiềm lực, bản lĩnh và ý chí của mình, tham gia, đi đầu trong các ngành, lĩnh vực then chốt của đất nước như hạ tầng, công nghệ thông tin, điện toán đám mây, AI, năng lượng xanh và đặc biệt là hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc, cảng biển…
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, việc Thường trực Chính phủ gặp đỡ doanh nghiệp lớn và giới ngân hàng trong cả ngày thứ 7 và sau khi bão lũ vừa đi qua, cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, chuyên gia kinh tế (Ảnh; An Linh).
"Đây là hội nghị có tính chất đột phá, thể hiện lãnh đạo Đảng đã có niềm tin và đặt kỳ vọng vào kinh tế tư nhân và tôi nghĩ rất nên lắng nghe kiến nghị để phát huy tốt hơn nữa năng lực của họ", ông Doanh cho hay.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nên tạo ra một số dự án thí điểm để thực hiện và rút kinh nghiệm, ví dụ như làm đường sắt cao tốc thì đưa ra vấn đề sản xuất thép cho đường sắt như thế nào?
"Tôi đề nghị nên lập một hoặc nhiều nhóm, các chuyên gia, trường đại học, viện nghiên cứu để xem xét từng dự án, từng kiến nghị. Không nên chỉ dừng ở một hội nghị mà biến các ý tưởng, kiến nghị này trở thành hiện thực. Đó là những thắng lợi lớn nhất của Hội nghị này", TS Doanh phân tích.
Thực tế, nhiều năm trước, kinh tế tư nhân khá èo uột và không có nhiều doanh nghiệp nổi bật. Nhưng đến nay, đã có một số doanh nghiệp đã lớn mạnh, đi đầu trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể như Vingroup, Sơn Hải, Đèo Cả... Có thể thấy rõ các doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh và cái họ cần lớn nhất là những đơn đặt hàng từ Nhà nước, giao dự án cho họ.
TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Đã đến lúc cần chính sách khuyến khích phát triển, đòi hỏi tư nhân đi vào khoa học công nghệ, đi vào ngành chất lượng cao, chuyển đổi số, doanh nghiệp số... Đó là những điều chúng ta nhấn mạnh, thực hiện tốt hơn thời gian tới".
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng, thời gian qua cùng với chiến dịch chống tham nhũng chúng ta đã nhận ra nhiều vấn đề của đất nước như chính sách pháp luật chưa thống nhất, còn hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng, lách kẽ hở pháp luật để trục lợi.
"Chúng ta cũng thấy khung pháp luật của chúng ta bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... Doanh nghiệp có thể dựa vào điều khoản này để thực thi, có thể đúng trong quy định này nhưng lại sai khi áp dụng luật khác. Khi cơ quan điều tra áp dụng luật khác, họ sẽ thành sai. Đây là thực tế, thời gian tới chúng ta phải nhìn ra và sửa chữa, làm sao để doanh nghiệp làm ăn chân chính tin vào hệ thống pháp luật nghiêm minh và yên tâm với bộ máy", ông Doanh nhấn mạnh.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng có nhiều đề xuất mang tính chiến lược, tầm nhìn tương lai của doanh nghiệp mà Chính phủ nên cân nhắc, quan tâm.
Đã đến lúc tin tưởng, trao quyền, trao khả năng cho tư nhân
Đáng nói, tại Hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm Chính phủ: Tin vào doanh nghiệp tư nhân, đó là niềm tin vào khả năng, ý chí và khát vọng của doanh nghiệp tư nhân bỏi họ không chỉ có khát vọng làm giàu cho bản thân, cho nhóm giai tầng mà còn muốn đưa thương hiệu Việt vươn xa, khẳng định vị thế, tầm vóc và bản lĩnh người Việt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Tôi hoan nghênh và ủng hộ hội nghị này, tôi nghĩ lúc này rất cần tin tưởng, trao quyền, trao khả năng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn vào các ngành chiến lược lớn của đất nước", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, các đề xuất của doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực và dự án ngoài những vấn đề mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã bàn, đã thông qua như đường sắt cao tốc Bắc Nam thì có nhiều vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn tương lai.
"Tôi mong Chính phủ tập hợp đầy đủ, nghiên cứu thấu đáo bởi đây là những đề xuất không chỉ xuất phát từ thực tiễn họ đã trải qua, đã làm được mà còn là tầm nhìn của họ về sự phát triển trong tương lai", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Riêng đối với đề xuất phổ biến tiếng Anh trong toàn dân, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng; "Đây thực sự là đề xuất mang tính thực tiễn, chiến lược cho tương lai, cho thế hệ trẻ".
Bà Lan nói: "Tôi rất mừng vừa rồi Bộ Chính trị đưa chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2. Thế giới hiện nay thay đổi nhanh và liên tục, nếu chúng ta chỉ dựa vào việc dịch tài liệu ra tiếng Việt sẽ lỡ mất cơ hội, bắt nhịp muộn với thời cuộc'.
Liên quan đến đề xuất về đẩy mạnh đào tạo nhân lực, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: Đây là đề xuất mang tính thực tế bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin, AI, bán dẫn là cái Việt Nam thiếu nhất hiện nay. Tôi khá lo lắng khi lãnh đạo Việt Nam kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn để đầu tư vào bán dẫn, AI, nhưng chính chúng ta cũng đang thiếu nguồn lực con người để làm.
Theo bà Lan, sự thiếu hụt nhân lực về AI, bán dẫn xuất phát từ việc chúng ta chưa có những bước đi trước để làm tiền đề cho phát triển ngành, lĩnh vực. Cũng là vấn đề quyết tâm chính sách của chúng ta có thực sự lớn, có sự đầu tư mạnh về nguồn vốn, đào tạo để đất nước đi sâu vào lĩnh vực này hay không?
“Theo tôi, các đề xuất định hướng của các doanh nghiệp, tập đoàn đều có tính thực tiễn bởi họ có đội ngũ nghiên cứu, đánh giá và vạch chiến lược rõ ràng. Họ có góc nhìn và cách đánh giá mang tính toàn cầu”, chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận