Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nói EU sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi xanh và đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam.
"Chúng tôi trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế có một tương lai xanh hơn", ông Margaritis Schinas, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định tại phiên khai mạc "Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 21/10.
Theo ông Margaritis Schinas, Việt Nam là ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh làm trọng tâm trong mối quan hệ. Theo đó, EU cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng đến mục tiêu Net Zero vào 2050. "Chúng tôi muốn mang đến nguồn đầu tư chất lượng vào Việt Nam", ông nói.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schina phát biểu tại GEFE 2024 sáng 21/10. Ảnh: EuroCham
Phó chủ tịch EC đồng thời nêu 3 khuyến nghị cho quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Đầu tiên, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn. Ông cho rằng, thế giới ngày càng sử dụng tài nguyên không bền vững nên cần thay đổi cách tiếp cận, kéo dài vòng đời sản phẩm.
Thứ hai, thay đổi lớn và ngay lập tức trong việc tương tác bền vững với hành tinh thông qua sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý. Các nguồn lực tài chính cũng cần đảm bảo để hỗ trợ các nỗ lực này.
Thứ ba, tăng bảo vệ rừng, đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường đến từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững. "Chúng tôi không muốn thị trường châu Âu tràn ngập sản phẩm phi pháp nên mong muốn Việt Nam cùng đồng hành, không thỏa hiệp với tổn hại môi trường vì mục tiêu kinh doanh", ông nói.
Tại Hội nghị COP26 diễn ra năm 2021, bên cạnh tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí metan toàn cầu" và ký kết "Tuyên bố Glasgow về rừng, sử dụng đất", Chính phủ đã tuyên bố mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết (NDC). Gần đây, các chính sách liên quan đến chuyển đổi kinh tế sang xanh và bền vững đang dần hoàn thiện.
Nghị định mới về cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực Tiếp (DPPA) được ban hành vào tháng 7, với 40% doanh nghiệp châu Âu hy vọng hưởng lợi. Việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon dự kiến bắt đầu vào năm sau. Tại Kỳ họp 8 khai mạc sáng 21/10, Quốc hội sẽ thảo luận Luật Điện lực sửa đổi.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại GEFE 2024 sáng 21/10. Ảnh: EuroCham
Tại diễn đàn này, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, kỳ vọng thắt chặt quan hệ song phương với EU và các nước thành viên, lấy phát triển kinh tế xanh là một trong những đột phá.
Ông đề nghị EU nghiên cứu, triển khai một số dự án hợp tác công tư và nhiều bên về chuyển đổi xanh. "Đề nghị các nước thành viên EU chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường carbon có kết nối với thế giới và triển khai các dự án hydrogen", Phó thủ tướng nói thêm.
EuroCham đánh giá quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đang phát triển mạnh mẽ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Hiệp định này đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy các khoản đầu tư xanh.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đang trong quá trình đàm phán, hai bên có tiềm năng lớn để thu hút thêm nhiều dự án phát triển bền vững. Các nước thành viên và nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến triển vọng hợp tác.
"Khi chúng ta đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, các quốc gia đồng bằng như Việt Nam và Hà Lan có nguy cơ lớn nhất. Do đó việc thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP HCM Daniël Stork nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cũng cho biết các doanh nghiệp thành viên quan tâm phát triển kinh doanh bền vững, xanh cùng cộng đồng và doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để mở khóa thêm tiềm năng, các chuyên gia tại Diễn đàn chỉ ra loạt thách thức của Việt Nam. Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho rằng hệ thống pháp luật vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và tương thích với tham vọng chuyển đổi nền kinh tế sang bền vững, hướng đến Net Zero vào 2050.
Bà Ngọc Nguyễn, Luật sư cấp cao công ty luật Hogan Lovells, kỳ vọng các luật mới ban hành trong 5-10 năm tới có độ ổn định cao hơn để nhà đầu tư dễ đưa ra các quyết định và giảm thiểu rủi ro. "Hệ thống pháp luật cần đóng vai trò là nền tảng hỗ trợ cho tất cả bên liên quan, bởi chúng ta không thể chậm trễ thêm trong quá trình chuyển đổi năng lượng", bà Ngọc nói.
Việt Nam cũng sẽ phải cân nhắc trong vấn đề định giá năng lượng. Chủ tịch EuroCham nói chi phí năng lượng đang rất rẻ, vốn là một trong những điểm thu hút FDI. Nhưng chuyển đổi sang năng lượng sạch thường đắt đỏ. "Làm sao vừa sạch hơn mà vẫn giữ giá rẻ để duy trì lợi thế cạnh tranh là bài toán cho Việt Nam", ông nhận định. Ông dẫn chứng khi chuyển năng lượng tái tạo, giá điện tại Trung Quốc đắt hơn Việt Nam 30% và ở châu Âu thì gấp 3 lần.
Ngoài ra, ông Ron Slangen, Phó giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo và phát triển các giải pháp lưu trữ năng lượng. "Chúng tôi có những chương trình hỗ trợ vốn đặc biệt cho việc xây dựng năng lực lưu trữ điện tái tạo", ông nói.
Viễn Thông
Đăng thảo luận
2024-11-07 10:45:31 · 来自123.232.33.147回复
2024-11-07 10:55:17 · 来自182.83.70.74回复
2024-11-07 11:05:23 · 来自61.233.154.66回复
2024-11-07 11:15:24 · 来自123.232.189.169回复
2024-11-07 11:28:38 · 来自171.9.25.74回复
2024-11-07 11:35:56 · 来自61.234.188.161回复
2024-11-07 11:45:19 · 来自222.44.127.113回复
2024-11-07 11:55:21 · 来自61.237.51.155回复
2024-11-07 12:05:16 · 来自139.202.237.239回复
2024-12-04 13:05:28 · 来自182.81.247.49回复